MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Mai Lương Khôi - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Trần Vương

Thi hành án dân sự năm 2018: Thụ lý hơn 900 nghìn việc, gần 200 nghìn tỉ đồng

VƯƠNG TRẦN LDO | 15/11/2018 12:10
Số tiền thụ lý thi hành án dân sự năm 2018 cao nhất từ trước tới nay lên tới gần 200.000 tỉ đồng. Trong đó, các cơ quan đã thi hành xong 34.000 tỉ đồng.

Ngày 15.11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2019. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình (giữa) dự hội nghị. Ảnh: Trần Vương

Báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự (THADS), hành chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi cho biết: Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS.

Về việc, tổng số thụ lý là 927.249 việc. Số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm 2017 (tăng 5,06% về việc và 13,32% về tiền) và cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 200.000 tỷ đồng). Các cơ quan THADS đã thi hành xong gần 600 nghìn việc tương ứng với số tiền trên 34.000 tỷ đồng.

“Công tác xác minh, phân loại án được chú trọng, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án trọng điểm, các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng được tập trung chỉ đạo giải quyết” – ông Khôi nói.

Ông Mai Lương Khôi - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Ảnh Trần Vương.

Tổng Cục trưởng Mai Lương Khôi cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự đó là: Điều kiện thi hành án trong các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do việc truy tìm, kê biên, phong tỏa tài sản để bảo đảm thi hành án trong giai đoạn tố tụng còn hạn chế; đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán; tài sản bảo đảm thi hành án nằm rải rác ở nhiều địa phương; tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng...

Việc xác minh, kê biên, định giá, đấu giá tài sản thế chấp trong các vụ việc tín dụng gặp nhiều khó khăn do các tổ chức tín dụng định giá tài sản thế chấp trước khi cho vay cao hơn nhiều lần so với giá thẩm định khi kê biên đấu giá.

Cùng với đó, còn tâm lý “e ngại” của người mua tài sản kê biên, phải cưỡng chế giao tài sản sau khi trúng đấu giá. Bên được thi hành án là các tổ chức tín dụng không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án. Nhiều vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá nên chưa thể xử lý dứt điểm được vụ việc.

Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính. Ảnh Trần Vương.

Mặt khác, còn một số trường hợp đương sự chống đối quyết liệt, đặc biệt trong quá trình cưỡng chế kê biên tài sản. Nhiều trường hợp đương sự khiếu nại nhiều lần, khiếu nại vượt cấp, gửi đơn đến nhiều cơ quan, ban ngành với nội dung không chính xác để kéo dài tiến độ giải quyết án, gây dư luận không tốt trong xã hội.

Một điều gây khó khăn, vướng mắc khác trong công tác thi hành án dân sự đó là còn 20 đơn vị chưa có trụ sở làm việc và 504 đơn vị chưa có kho vật chứng.

Báo cáo về công tác thi hành án dân sự, hành chính cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế như: Còn một số sai sót, vi phạm của chấp hành viên, công chức trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án. Số công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật tuy giảm đáng kể so với năm 2017 nhưng còn nhiều, trong đó vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ là 17 trường hợp. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành và chuyên môn còn chậm, chưa có đột phá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn