MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu Chủ tịch FLC - Trịnh Văn Quyết. Ảnh chụp màn hình

Thợ may, tài xế đứng tên công ty giúp cựu Chủ tịch FLC hưởng lợi cả trăm tỉ

Việt Dũng LDO | 14/04/2024 18:07

Trịnh Thị Minh Huế - em gái Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC - theo chỉ đạo, thuê nhiều cá nhân gồm nữ thợ may, nam tài xế đứng tên các công ty để từ đó thao túng thị trường chứng khoán với số tiền cả nghìn tỉ đồng.

Trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn FLC, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định, Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC - đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ của 45 cá nhân là người thân, nhân viên tập đoàn đứng tên lập hồ sơ, thủ tục để Huế thành lập 20 công ty và mở 500 tài khoản tại 43 công ty chứng khoán, mục đích thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Các bị can là người thân quen, nhân viên FLC... dù biết rõ không có tiền góp vốn nhưng vẫn ký các thủ tục giúp Quyết và Huế hợp thức việc góp vốn, sử dụng góp vốn, tạo dòng tiền để ghi nhận tăng vốn góp chủ sở hữu từ 1,5 tỉ đồng lên thành 4.300 tỉ đồng trong sổ sách kế toán và báo cáo tài chính của Công ty FAROS trái pháp luật.

Trong số này, có bị can Trương Văn Tài - lái xe của Trịnh Văn Quyết. Theo cáo trạng, Tài không nộp tiền góp vốn nhưng được Trịnh Thị Minh Huế nhờ đứng tên là cổ đông góp vốn để hợp thức việc tăng vốn góp khống.

Tài đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần/Giấy nộp tiền để sở hữu 23 triệu cổ phần, tương đương 230 tỉ đồng; sau đó chuyển trả lại toàn bộ số cổ phần này cho Lê Thị Ngọc Diệp - vợ Quyết - đứng tên là cổ đông góp vốn vào Công ty FAROS để hợp thức việc nâng khống vốn góp.

Hành vi của Trương Văn Tài đã giúp sức để Huế nâng khống vốn chủ sở hữu, để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán, từ đó giúp Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

Trương Văn Tài bị cáo buộc có vai trò đồng phạm giúp sức cho Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế. Bị can khai nhận hành vi phạm tội và khai được hưởng lương 6 triệu đồng/tháng, đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả số tiền 20 triệu đồng.

Nguyễn Thị Hồng Dung vốn là thợ may, song được Huế mượn giấy tờ, ký các giấy tờ để thành lập và đứng tên người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Khu Công nghiệp Toàn Cầu, để Huế mở 13 tài khoản chứng khoán; đứng tên mở 12 tài khoản chứng khoán để Huế sử dụng thao túng thị trường chứng khoán.

Theo đó, Huế sử dụng 12/25 tài khoản để thao túng chứng khoán trong 263 phiên giao dịch với 4 mã: HAI, GAB, ART, FLC; đặt mua 1.477 lệnh mua, tổng giá trị khớp mua hơn 788 tỉ đồng, hủy mua 375 lần; đặt 692 lệnh bán… giúp Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính hơn 684 tỉ đồng.

Dung thừa nhận hành vi và khai chỉ được trả lương 5 triệu đồng/tháng. Bị can đã nộp 70 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Tương tự, Nguyễn Quang Trung - lái xe Bệnh viện Hà Thành - cũng cho Huế mượn giấy tờ cá nhân, ký các giấy tờ thành lập, đứng tên đại diện theo pháp luật 2 công ty, để Huế mở 20 tài khoản.

Trung mở 8 tài khoản chứng khoán cá nhân, từ đó Huế sử dụng thao túng thị trường chứng khoán trong 469 phiên giao dịch với 4 mã chứng khoán trên, tổng giá trị khớp mua hơn 980 tỉ đồng; đặt lệnh bán với tổng giá trị hơn 1.120 tỉ đồng, từ đó giúp anh trai thu lợi bất chính hơn 684 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn