MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng kiểm tra một địa điểm sản xuất sách giáo khoa giả. Ảnh: P.Thuỷ

Thủ đoạn của bà “trùm” sản xuất, mua bán 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả

Việt Dũng LDO | 15/09/2022 13:24
Cao Thị Minh Thuận tổ chức sản xuất, đặt mua hàng triệu quyển sách giáo khoa giả các loại, bán cho các đầu mối từ Quảng Bình trở ra phía Bắc, rồi “rải tiền” cho nhóm cán bộ quản lý thị trường để không bị xử lý.

Viện KSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng về vụ sản xuất, buôn bán, tiêu thụ hàng triệu cuốn sách giáo khoa giả.

Theo đó, Viện Kiểm sát truy tố ông Trần Hùng - cựu kiểm soát viên chính, cựu Tổ trưởng Tổ 1444 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương về tội "Nhận hối lộ".

Nhóm cựu cán bộ Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 thuộc Cục QLTT Hà Nội gồm Lê Việt Phương - cựu Đội phó và 2 thuộc cấp Thành Thị Đông Phương và Phạm Ngọc Hải bị truy tố về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Ngoài nhóm bị can trên, Cao Thị Minh Thuận, Hoàng Mạnh Chiến - Giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội và 28 người khác đã bị truy tố về các hành vi "Sản xuất, buôn bán hàng giả"; "Môi giới hối lộ".

Theo cáo buộc, công ty của bị can Thuận chủ yếu mua bán sách, thiết bị giáo dục… Từ năm 2018, bị can đã đứng ra tổ chức sản xuất và đặt mua các loại sách giáo khoa giả với số lượng đặc biệt lớn để bán cho một số đối tượng tại các tỉnh từ Quảng Bình trở ra phía Bắc.

Bà Thuận trực tiếp và chỉ đạo nhân viên Công ty Phú Hưng Phát bàn bạc, thoả thuận đặt in sách giáo khoa giả của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Công ty Cổ phần In Hà Nội do Hoàng Mạnh Chiến làm giám đốc.

Bị can đặt in bản kẽm tại Công ty TNHH Tạp phẩm và vật tư ngành in do Nguyễn Minh Đức làm Giám đốc, Công ty In và Thương mại INP do Nguyễn Mạnh Thắng làm Giám đốc và các đối tượng khác để in sách giáo khoa giả.

Bị can Thuận còn đặt mua tem giả Nhà Xuất bản Giáo dục VIệt Nam và một số tem giả khác của Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Công ty TNHH TM và in Lâm Anh và các đối tượng khác để dán lên sách giả.

Ngoài ra, Thuận còn mua giấy in các loại, cung cấp bản kẽm cho các công ty và cá nhân để in sách. Sau đó, bị can giao cho các xưởng gia công các bản in và tem giả hoàn thiện sách giáo khoa giả đưa về kho cất giấu để bán ra thị trường.

Cũng theo cáo trạng, Thuận chỉ đạo nhân viên của Công ty Phú Hưng Phát đến các cửa hàng sách chào hàng; lập 2 tài khoản Zalo “Nhà sách Minh Thuận 1” và “Nhà sách Minh Thuận 2” để khách hàng liên hệ đặt mua sách.

Sau khi thống nhất, thoả thuận việc mua bán, mức chiết khấu (từ 30-65% trên giá bìa), chủng loại, số lượng sách, hai bên chốt đơn theo từng hoá đơn. Thuận chỉ đạo nhân viên giao sách cho khách hàng bằng 3 cách: trực tiếp chở hàng đến địa chỉ khách hàng. Khách kiểm đếm đủ số thùng, ký vào mục “người nhận hàng”; Gửi sách cho các xe tải đường dài; Khách trực tiếp hoặc thuê xe tải đến kho của công ty nhận sách.

Về phương thức thanh toán, khách hàng tạm ứng trước một số tiền cho Thuận (trả tiền mặt) hoặc chuyển khoản. Đến cuối năm hoặc qua vụ bán sách thì 2 bên mới đối chiếu công nợ, thanh toán dứt điểm hoặc chốt số liệu để nợ gối sang năm sau.

Để thực hiện việc sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả, Thuận mua 5 ôtô tải để vận chuyển sách về kho, đi tiêu thụ.

Theo kết quả điều tra, trong năm 2021, Thuận đã tổ chức sản xuất và thực tế đã nhập kho tổng cộng hơn 9,4 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản khác, với tổng trị giá sách theo bìa (hàng thật) là hơn 260 tỉ đồng.

Thuận đã tiêu thụ tổng số hơn 6,3 triệu quyển sách giả, tổng giá trị sách theo giá bìa là hơn 164 tỉ đồng, với tổng giá trị theo hoá đơn bán lẻ sau khi trừ chiết khấu là hơn 73 tỉ.

Thuận đã thu của khách hàng số tiền thực tế là hơn 30 tỉ đồng.

Đường dây sản xuất, mua bán sách giáo khoa giả bị triệt phá ngày 18.6.2021 khi cơ quan điều tra Bộ Công an bắt quả tang Hoàng Mạnh Chiến - Giám đốc Công ty CP In và Văn hoá truyền thông Hà Nội đang vận chuyển các thùng các-tông chứa gần 3,2 triệu quyển sách giả.

Quá trình điều tra mở rộng, cơ quan công an xác định được hành vi sai phạm của một số cán bộ quản lý thị trường, nhận tiền để không xử lý với Thuận. Trong đó có ông Hùng và Việt Phương, Đông Phương, Hải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn