MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một đối tượng “cò” đất bị Công an tỉnh Trà Vinh bắt giữ tháng 7.2019. Ảnh: Trần Lưu

Thủ đoạn của đường dây trục lợi chính sách

TRẦN LƯU LDO | 04/05/2020 06:56
Vụ trục lợi chính sách ở Trà Vinh đã diễn ra suốt nhiều năm nhưng chỉ gần đây mới bị phát hiện. Trong đó, hàng trăm hồ sơ chuyển nhượng đất dù trái quy định song vẫn diễn ra trót lọt...

Công chức trục lợi

Sau khi Công an tỉnh Trà Vinh khởi tố, bắt giam 13 đối tượng để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, Thanh tra tỉnh này đã tiếp tục chuyển sang cơ quan điều tra thêm 18 hồ sơ cùng nội dung tương tự.  

Có thể hình dung thủ đoạn tội phạm này như sau: Một mảnh đất nông nghiệp do một người đứng tên, rồi chuyển nhượng (cho tặng) sang gia đình chính sách. Sau đó, “cò” đất lấy hồ sơ gia đình chính sách đi chuyển đổi mục đích sử dụng đất (lên thổ cư) và được miễn thuế từ 70-100%. Xong việc, những người này tiếp tục làm thủ tục chuyển nhượng lại từ gia đình chính sách cho một đối tượng được sắp đặt sẵn. Như vậy, đất nông nghiệp sau khi đi 1 vòng đã được “hô biến” thành đất đô thị, còn ngân sách nhà nước bị thất thu. 

Ông Huỳnh Văn Xiêu (thương binh 1/4 ở xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè) là một người đã bị các đối tượng tìm đến “mượn tên”. Theo hồ sơ thể hiện, một phụ nữ có tên Đỗ Thị Cẩm (SN 1968, ở ấp Nhà Thờ, xã Tân An, huyện Càng Long) đã chuyển nhượng cho ông X diện tích đất gần 300m2, rồi đi đăng ký lên thổ cư, được miễn giảm 100% với số tiền hơn 686 triệu đồng. Tiếp đến, mảnh đất này từ tên ông X được chuyển nhượng lại cho một người tên Lê Thị Vệ (xã Tân An, huyện càng Long), còn ngân sách không thu được đồng nào.

Tương tự, vợ chồng của Nguyễn Văn Phong và Nguyễn Thị Xuân Thủy (sinh năm 1985, ngụ xã Hòa Minh, huyện Châu Thành) nhờ bà Nguyễn Thị Cao (sinh năm 1930, là thân nhân liệt sĩ ở xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành) đứng tên trên hợp đồng mua hơn 190m2 đất trồng cây lâu năm tại ấp Xóm Trảng, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành. Sau đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tên bà Cao được chuyển mục đích sử dụng đất lên thổ cư, trục lợi hơn 290 triệu đồng.  

Chị T (thân nhân của một liệt sĩ ở TP.Trà Vinh) kể rằng: “Mấy ông “cò” đất tìm đến nhà nói cho mượn hồ sơ chính sách. Tôi thấy không cần làm gì lại có tiền nên đưa cho họ. Ít lâu sau, họ đem hồ sơ đến trả và đưa tôi 20 triệu đồng. Đến khi cơ quan chức năng tìm đến nhà, tôi mới tá hỏa vì biết vi phạm pháp luật”.

Đến nay, cơ quan chức năng xác định hàng chục đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức đã cấu kết với “cò” đất trục lợi chính sách. Trong đó, có người là cán bộ Công an tỉnh Trà Vinh, lãnh đạo văn phòng đăng ký đất đai, và có cả giáo viên, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh)… tham gia vào hành vi trái pháp luật này.

Hợp đồng vô hiệu

Theo xác minh của Thanh tra tỉnh Trà Vinh, phần lớn các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều thực hiện công chứng, chứng thực tại các cơ quan nhà nước là UBND các xã, phường, thị trấn… Những hồ sơ này, người chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng đều không trực tiếp ký tên vào hợp đồng hoặc không trực tiếp ký tên trước mặt công chứng viên và người chứng thực nhưng các thủ tục vẫn diễn ra trót lọt.

Từ tháng 1.2011 đến nay, chỉ riêng ở TP.Trà Vinh đã có 656 người thuộc diện chính sách xin miễn, giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất, tổng cộng hơn 113 tỉ đồng. Qua kiểm tra, gần 350 trường hợp xác định số tiền miễn, giảm không đúng gần 70 tỉ đồng. Tại 5 huyện Châu Thành, Cầu Kè, Trà Cú, Tiểu Cần và Càng Long, thanh tra tỉnh cũng xác định hàng loạt sai phạm trục lợi chính sách với số tiền lên tới gần 12 tỉ đồng. Ngoài việc chuyển 18 hồ sơ sang cơ quan điều tra, Thanh tra tỉnh Trà Vinh đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm hoặc xử lý kỷ luật đối với hàng loạt cán bộ lãnh đạo, trong đó, có ông Kim Ngọc Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố, bắt tạm giam 13 bị can điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) TP.Trà Vinh với số tiền gây thiệt hại gần 120 tỉ đồng. Luật sư Phan Đăng Hữu (Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ) cho biết: Việc các đối tượng thực hiện hành vi như trên rõ ràng là vi phạm pháp luật hình sự và có động cơ, mục đích là nhằm trục lợi chính sách từ các quy định nhân văn của Nhà nước đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Mặt khác, căn cứ theo quy định của Luật Công chứng 2014, nếu người chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng đều không trực tiếp ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng hoặc không trực tiếp ký tên trước mặt công chứng viên và người chứng thực thì xem như các hợp đồng này đều không có giá trị pháp lý. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định, “trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu”. Như vậy, các đối tượng này thực hiện các hợp đồng chuyển nhượng nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất với Nhà nước nên đây là hợp đồng giả tạo và có thể cũng sẽ bị tòa án tuyên vô hiệu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn