MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao. Ảnh: H.H

Thủ đoạn nhắn tin giả mạo ngân hàng để lừa đảo

Quang Việt LDO | 02/11/2022 06:42

Qua việc bắt giữ một số đối tượng người Việt Nam, người nước ngoài, cơ quan chức năng đã vạch trần thủ đoạn phát tán tin nhắn giả mạo các ngân hàng, thương hiệu, nhà mạng, Công ty điện lực… của tội phạm này gửi tới khách hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Phát tán tin nhắn để lừa đảo

Gần cuối tháng 2, Bộ Thông tin và Truyền thông phát thông cáo báo chí cho biết, trong tháng 2.2022, Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và các đơn vị liên quan đã tiến hành thanh tra đột xuất việc lắp đặt, sử dụng trạm phát sóng di động trái pháp luật đối với 3 đối tượng trên địa bàn TPHCM.

Ba đối tượng gồm Bế Văn Trường (29 tuổi; ở tỉnh Quảng Ninh); Trương Đức Dương (33 tuổi, ở tỉnh Hà Nam); Hoàng Quốc Anh (23 tuổi, ở tỉnh Quảng Ninh). 

Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm đã sử dụng kỹ thuật viễn thông, công nghệ thông tin để gửi các tin nhắn rác, tin quảng cáo dịch vụ, tin nhắn giới thiệu các trang web cờ bạc... đến máy điện thoại người sử dụng; không loại trừ khả năng có các tin nhắn xác thực cho dịch vụ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam hoặc tin nhắn giả mạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng để lừa đảo người dân. 

Cơ quan chức năng nhận định, vụ việc có mức độ sai phạm lớn, có khả năng gây ra ảnh hưởng, tác hại nghiêm trọng do các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi, thiết bị nhỏ gọn, thường xuyên thay đổi vị trí, địa điểm phát tán hoặc có thể dễ dàng mang theo khi di chuyển trên các phương tiện vận tải, do đó việc xác định đối tượng, vị trí thực hiện hành vi vi phạm là hết sức khó khăn. 

Đặc biệt, các đối tượng khai nhận được đối tượng người nước ngoài giao cho các thiết bị để thuê phát tán tin nhắn rác tại khu vực có nhiều người qua lại.

Hiện Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo quy định của pháp luật với 3 đối tượng trên về hành vi “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”.

Ngày 30.1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Chen Jiong (quốc tịch Trung Quốc) về tội "Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác" quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự.

Vụ án được triệt phá khi lực lượng chức năng phát hiện Chen Jiong có hành vi giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS brandname) để vi phạm pháp luật.

Chen Jiong khai nhận, sử dụng các thiết bị để phát tán các tin nhắn với nhiều nội dung khác nhau, tập trung ở các tỉnh, thành lớn trong cả nước. Đối tượng khai mỗi ngày phát tán khoảng 60.000 đến 70.000 tin nhắn thành công tới người dùng.

Theo chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thời gian qua, tại một số khu vực trên địa bàn TP.Hà Nội xảy ra tình trạng một số người dân nhận được các tin nhắn từ đầu số “8079” - tin nhắn giả nhà mạng được gửi đi từ các thiết bị giả mạo của các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam”. Toàn bộ dữ liệu này không đi qua hệ thống của các nhà mạng.

Thời gian qua, tình trạng giả mạo tin nhắn thương hiệu (của ngân hàng, công ty điện lực, nhà mạng, tổ chức) diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân với số tiền rất lớn, lên đến hàng trăm tỉ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến dư luận bức xúc.

Khuyến cáo về việc nhận các tin nhắn lạ

Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, từ tháng 9 đến nay, người dân tại Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng... thường xuyên nhận được tin nhắn giả mạo của các ngân hàng thương mại (SMS Brandname).

Những tin nhắn trên có nội dung: “Thông báo khách hàng đã đăng ký, kích hoạt dịch vụ tài chính toàn cầu có mức phí sử dụng từ 3 triệu đồng đến 6 triệu đồng, nếu muốn hủy thì truy cập vào đường dẫn Vietinbank... hoặc VPbank...”.

Cục An ninh mạng khẳng định, đó là tin nhắn giả mạo ngân hàng mà tội phạm lừa đảo tạo lập ra để dẫn dụ người dùng truy cập. Mục đích của họ là đánh cắp thông tin, chiếm quyền quản trị tài khoản ngân hàng của người dùng, sau đó chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản.

Bộ Công an xác định mỗi ngày, các nhóm trên phát tán thành công từ 40.000 đến 80.000 tin nhắn với mỗi bộ thiết bị. Lực lượng công an một số địa phương đã phá 7 vụ án, bắt 10 người liên quan tại Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai.

Trước tình trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không truy cập các đường link, tên miền lạ được gửi đến email, điện thoại. 

Mọi người không cung cấp mã OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng để tránh sập bẫy lừa đảo.

Các doanh nghiệp viễn thông, cá nhân, tập thể khi phát hiện có đối tượng lắp đặt thiết bị điện tử lạ, nhất là tại khu vực có mật độ dân cư đông đúc cần thông báo cho các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn