MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một bị cáo trong vụ trộm cắp tài sản liên quan đến đòi nợ. Ảnh: Quang Việt

Thu hồi khoản nợ như thế nào để không bị coi là bất hợp pháp?

Quang Việt LDO | 01/02/2023 12:51
Nhiều người khi cho vay, sau đó dùng các phương thức bất hợp pháp để đòi nợ rồi vướng vào vòng lao lý.

Mới đây, TAND Hà Nội đã đưa bị cáo Giang Tuấn Anh (35 tuổi) và Phạm Bảo Anh (31 tuổi) ra xét xử phúc thẩm về tội “Trộm cắp tài sản”. Bị hại trong vụ án là anh Phạm Hoàng T (34 tuổi).

Vụ án khởi nguồn từ việc đòi nợ giữa Tuấn Anh với anh T.

Theo đó, ngày 23.5.2021, Tuấn Anh kể cho Bảo Anh nghe về việc anh T không trả nợ số tiền 200 triệu đồng mà trước đó cho vay.

Tuấn Anh đã nhiều lần gọi điện cho anh T nhưng không liên lạc được. Do đó, Tuấn Anh đã bàn bạc với Bảo Anh, hẹn cùng tìm anh T để đòi nợ.

Khoảng 22h30 ngày 25.5.2021, Tuấn Anh đi xe máy đến nhà Bảo Anh để cùng nhau đến nhà anh T tại ngõ 392 Kim Giang (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội).

Đến nơi, họ thấy anh T không có nhà. Quay ra đầu ngõ, cả hai phát hiện ôtô Honda Civic của anh T đỗ trên vỉa hè bên kia đường, không có ai trông giữ.

Cả hai thống nhất thuê xe cẩu để lấy ôtô của anh T, mang về bãi gửi xe của người quen gần nhà. Mục đích để anh T ra mặt giải quyết tiền nợ cho Tuấn Anh và giải quyết vấn đề xe cho Bảo Anh do anh T chậm trả tiền xe ngân hàng.

Trong khi đó, Bảo Anh khai, trong thời gian đứng tên ôtô và hợp đồng vay tiền thay anh T, thường xuyên bị ngân hàng gọi điện giục đòi tiền do anh này để chậm, quá hạn.

Bản thân Bảo Anh đã phải tự trả tiền ngân hàng thay anh T 2 tháng nhưng không yêu cầu anh phải hoàn trả số tiền trên. Mục đích Bảo Anh bàn bạc và cùng Tuấn Anh lấy ôtô của anh T là nhằm yêu cầu giải quyết dứt điểm, không để Bảo Anh bị nợ xấu với ngân hàng.

Tuy nhiên, anh T phủ nhận việc Bảo Anh trả tiền thay mình 2 tháng.

Với hành vi nêu trên, TAND quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã tuyên phạt bị cáo Giang Tuấn Anh 3 năm tù treo, Bảo Anh 3 năm tù giam.

Sau phiên tòa sơ thẩm, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ngân hàng đã làm đơn kháng cáo.

Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, vì một số lý do khách quan, toà đã quyết định hoãn phiên xét xử.

Trước đó, Toà Hà Nội cũng xét xử nhiều vụ án liên quan đến đòi nợ. Vì đòi nợ sai cách nên nhiều người vướng vào lao lý với các tội danh "Cưỡng đoạt tài sản", "Cưỡng đoạt tài sản".

Vậy đòi nợ ra sao để không bị coi là bất hợp pháp?

Theo luật sư Nguyễn Văn Tiến - Đoàn Luật sư Hà Nội, để đi đòi nợ mà không để vướng vòng lao lý, quy trình phải như sau: Chủ nợ khởi kiện con nợ, sau khi có phán quyết của tòa án thì con nợ phải trả nợ cho chủ nợ.

Trong trường hợp con nợ không tự nguyện thi hành bản án, chủ nợ đề nghị cơ quan thi hành án cưỡng chế thu hồi tài sản từ con nợ để trả cho chủ nợ.

Bên cạnh đó, còn có biện pháp khác là chủ nợ khi thấy con nợ ở đâu thì trình báo cơ quan chức năng, ví dụ như công an phường sở tại, công an quận…, hoặc thậm chí tố cáo hành vi chây ỳ, trốn tránh việc trả nợ của con nợ…

"Nếu như vậy, chủ nợ sẽ không vướng phải vòng lao lý và phạm tội Cướp tài sản, hoặc Trộm cắp tài sản như vụ án trên", luật sư Tiến cho biết.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng cơ chế giải quyết việc đòi nợ của cơ quan tố tụng hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến chủ nợ muốn tự mình giải quyết cho nhanh mà không nhờ cậy đến pháp luật.

Việc theo đuổi vấn đề khởi kiện đòi nợ thường kéo dài, thậm chí nhiều năm trời. Chủ nợ phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.

Rồi đến khi có bản án về việc con nợ phải trả tiền cho chủ nợ nhưng con nợ không tự nguyện trả, chủ nợ lại phải đề nghị cơ quan thi hành án dân sự vào cuộc, mất thêm khá nhiều thời gian công sức nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn