MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Y tế kết luận thuốc ung thư H-Capita của VN Pharma là thuốc kém chất lượng (ảnh LĐO)

Thuốc chữa ung thư VN Pharma nhập về “không phải chữa bệnh cho người”

BTS LDO | 29/09/2017 06:46

Kết quả giám định của Bộ Y tế có mâu thuẫn, không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế khách quan của vụ án. Giám định cho rằng thuốc này “... không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”, trong khi các bị cáo nhập về với mục đích chữa bệnh ung thư cho người.

VKSND Cấp cao tại TPHCM vừa kháng nghị phúc thẩm bản án hình sự sơ thẩm vụ án VN Pharma ngày 25.8 của TAND TPHCM khi cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét toàn diện vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội…

Đối với việc giám định của Bộ Y tế, kháng nghị nêu: Tại kết luận giám định số 31/KL-BYT ngày 22.4.2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế kết luận: “Lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capita 500mg Caplet nói trên chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”. Thành phần tạp chất là 17% (trong khi cho phép không quá 01%).

Căn cứ khoản 23, 24 Điều 2 Luật Dược 2005 và Điều 4 Nghị định số 08/2013/NĐ-CP ngày 10.1.2013 của Chính phủ, quy định: Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Khoản 24 Điều 2 quy định: Thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: a) Không có dược chất; b) Có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; c) Có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; d) Mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác.

Từ phân tích trên, cho thấy kết quả giám định của Bộ Y tế có mâu thuẫn, không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế khách quan của vụ án. Giám định cho rằng thuốc này “... không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”, trong khi các bị cáo nhập về với mục đích chữa bệnh ung thư cho người, nhưng cũng chính kết luận lại cho rằng là thuốc kém chất lượng, mà không kết luận là thuốc giả. Vì vậy phải cần thiết trưng cầu giám định lại, với thành phần HĐGĐ khác để đảm bảo tính khách quan, làm chứng cứ cho việc xác định tội danh các bị cáo.

Ngoài ra, theo kháng nghị, trong vụ VN Pharma, để nhập khẩu thuốc về Việt Nam, các bị cáo đã làm và sử dụng một loạt con dấu, giấy tờ giả (Giấy chứng nhận bán hàng tự do – FSC – Giấy chứng nhận thực hành sản xuất thuốc tốt – GMP – của Bộ Y tế Canada, được pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán VN tại Canada).

Ngoài hồ sơ, con dấu giả, theo kháng nghị thì ý thức của các bị cáo từ khi thỏa thuận mua bán, làm hóa đơn hàng, thiết lập hồ sơ xin phép nhập khẩu lô thuốc, chuẩn bị bán hàng thông qua đấu thầu, chi trước tiền hoa hồng cho bác sỹ… đến khi làm thủ tục thông quan là để bán hàng nhằm thu lợi bất chính, bất chấp hậu quả xảy ra. Vì vậy, hành vi của các bị cáo phải được xem xét đánh giá toàn diện trong mối quan hệ với các chứng cứ khác, phải đảm bảo đúng bản chất vụ án, tội danh thì vụ án mới được xử đúng pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn