MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: LDO

Thủy Tiên kêu gọi từ thiện: Ngân hàng được cung cấp thông tin cho công an?

LUẬT SƯ DIỆP NĂNG BÌNH LDO | 17/10/2021 12:25

Liên quan đến những thắc mắc về cơ sở pháp lý của việc ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của Thủy Tiên và một số nghệ sĩ kêu gọi tiền từ thiện (là thông tin cá nhân) cho công an khi chỉ dựa vào các lùm xùm trên mạng, luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh đã có những giải thích dựa trên các quy định pháp luật mà cơ quan công an đã và đang thực hiện.

Nguồn tin tố giác và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

Công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, là căn cứ để kịp thời phát hiện hành vi phạm tội xảy ra, xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để xem xét, quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

Việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm được quy định tại Chương IX Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015(BLTTHS) và được hướng dẫn áp dụng tại Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Liên ngành Trung ương(TTLT số 01/2017).

Nguồn tin về tội phạm được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 BLTTHS gồm: “tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện”. Đây cũng là các căn cứ để Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định khởi tố vụ án hình sự quy định tại Điều 143 BLTTHS.

Về căn cứ, trình tự thủ tục, chức năng nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm được quy định cụ thể từ Điều 144 đến Điều 152 BLTTHS và TTLT số 01/2017, gồm: Tố giác của công dân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước và Người phạm tội tự thú. Ngoài ra còn có nguồn tin về tội phạm do “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm”.

Tại Điều 5 BLTTHS cũng quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo đó:

1. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cơ quan nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật để xử lý và thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi phạm tội.

Thủ trưởng cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc không thông báo hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

3. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

4. Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

5. Cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự.

6. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

Nguyên tắc tổ chức vận động cứu trợ và các hành vi bị nghiêm cấm

Nghị định 64/2008 của Chính phủ quy định về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trong và ngoài nước, khắc phục hậu quả do hỏa hoạn; sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo nêu rõ nguyên tắc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện. Theo đó:

1. Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo Điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

2. Việc tổ chức vận động đóng góp ủng hộ khắc phục khó khăn chỉ thực hiện khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra làm thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân.

Việc vận động đóng góp giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể thông qua việc tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ của các cơ quan thông tin đại chúng.

3. Việc đóng góp tiền, hàng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện với lòng hảo tâm; các cơ quan, tổ chức không tự đặt ra mức huy động đóng góp tối thiểu để ép buộc người dân thực hiện.

4. Công tác tổ chức vận động, tiếp nhận, phân bổ và sử dụng tiền, hàng đóng góp trong mỗi cuộc vận động khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng phải được thực hiện tập trung, kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và chỉ đạo thống nhất, đảm bảo tất cả nguồn tiền, hàng đều được chuyển đến cho các cá nhân, hộ gia đình và các địa phương bị thiệt hại và các quốc gia khác bị thiên tai.

5. Việc sử dụng tiền, hàng ủng hộ theo đúng mục đích huy động để khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; nghiêm cấm sử dụng sai mục đích dưới bất kỳ hình thức nào...

Tại Điều 3 Nghị định này cũng nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo. Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp. Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.

Ai được kêu gọi cứu trợ và quy định đối với cá nhân: 

Điều 4 Nghị định 64/2008 quy định tổ chức kêu gọi, vận động đóp góp tiền, hàng cứu trợ như sau:

1. Khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản và phương tiện sản xuất của nhân dân thì tùy theo mức độ, phạm vi thiệt hại, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hàng cứu trợ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại.

2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra lời kêu gọi ủng hộ theo hệ thống Chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước.

3. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi chung là quỹ xã hội, quỹ từ thiện) được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

4. Các cơ quan thông tin đại chúng (Báo, Đài); các tổ chức đơn vị quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ bao gồm:

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

- Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

- Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.

Các tổ chức, cá nhân khi hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân bị nạn cần phối hợp với chính quyền địa phương hoặc thông báo cho chính quyền địa phương biết các khoản đã hỗ trợ cho từng hộ gia đình, cá nhân để địa phương có chính sách, phương án cân đối mức hỗ trợ hợp lý cho các hộ gia đình, cá nhân bị nạn trên địa bàn từ nguồn tiền, hàng cứu trợ của địa phương cho phù hợp. Ngoài các hình thức huy động đóng góp bằng tiền, hàng; các tổ chức, cá nhân được thực hiện cứu trợ nhân đạo bằng hình thức cung cấp dịch vụ (miễn phí hoặc giảm giá một số dịch vụ) để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Thực tế như một thông lệ và truyền thống tốt đẹp của người Việt, khi xảy ra thiên tai các cá nhân, đặc biệt là các nghệ sĩ luôn nhiệt tình kêu gọi ủng hộ người dân gặp khó khăn. Hành động này nặng về tình người, tương thân tương ái và thực hiện trong hoàn cảnh cấp bách, nên cơ quan thực thi pháp luật chưa quan tâm và mặc nhiên để nó tồn tại, thiếu kiểm soát. Hoặc nếu có kiểm soát, quan sát thì một số người cũng lợi dụng tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng cho các cán bộ, địa phương, dẫn đến tâm lý e ngại.

Điển hình một số đoàn không chịu phối hợp với địa phương, tung tin thất thiệt cho bác Trưởng thôn để làm xấu hình ảnh... Từ đó, đã có không ít vụ lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân bị cơ quan chức năng xử lý.

Theo quy định, cá nhân muốn vận động, tiếp nhận tiền từ thiện thì phải lập quỹ hợp pháp. Điều đó có nghĩa việc các nghệ sĩ chưa lập quỹ hợp pháp mà dùng tài khoản cá nhân để quyên tiền từ thiện là trái pháp luật.

Thủ tục thành lập quỹ từ thiện, quỹ xã hội được thực hiện theo quy định tại 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Người làm từ thiện không thể lập luận rằng làm từ thiện là vì cái tâm nên không dám gian lận, cái tâm phải xuất phát từ minh bạch thì mới đáng tin.

Ở góc độ pháp luật, hành vi lợi dụng hoạt động từ thiện có dính dáng đến vụ lợi cá nhân là vi phạm pháp luật, nếu chứng minh được khoản tiền từ thiện bị dùng trái mục đích, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015.

Từ các quy định nêu trên, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu ngân hàng và những người liên quan cung cấp dòng tiền trong tài khoản từ thiện để điều tra. Trong trường hợp không có người tố giác, nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ cơ quan điều tra tự mình phát hiện có dấu hiệu trục lợi hoạt động từ thiện, họ cũng có quyền điều tra theo quy định.

Ngoài ra, nếu có nghi ngờ người làm từ thiện, dưới danh nghĩa là "nhà hảo tâm" dùng tiền từ các hoạt động thu nhập bất hợp pháp như một hình thức để rửa tiền, thì cơ quan điều tra cũng có thể điều tra độc lập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn