MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng phát hiện 1 cơ sở kinh doanh có hành vi bơm tạp chất vào tôm. Ảnh: NC.

Tiểu thương biến tôm chết thành tôm tươi bằng tạp chất bị xử thế nào?

Phạm Đông LDO | 11/01/2019 12:30
Theo các luật sư, việc bơm tạp chất vào tôm là hành vi vi phạm pháp luật, vừa là hành vi vô đạo đức. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi này.

Như Lao Động đã đưa tin, khoảng 20h ngày 9.1, tại số 1835 Ngô Gia Tự, phường Nam Hải (quận Hải An, Hải Phòng), Đội 6, Phòng Cảnh sát Môi trường đã phối hợp Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản kiểm tra, phát hiện bà Nguyễn Thị Hạnh cùng 2 người làm thuê là Nguyễn Văn Nên và Trần Văn Thức (cùng ở Yên Bái) đang dùng kim tiêm trực tiếp bơm tạp chất vào 60kg tôm chết.

Nói về vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, về mặt pháp lý, bơm tạp chất vào tôm là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả mà người thực hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2 đối tượng đang tiêm tạp chất vào tôm chết bị bắt quả tang.

Các tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu lô hàng thủy sản, tịch thu phương tiện, dụng cụ dùng để vi phạm và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, bị buộc loại bỏ tạp chất đối với lô hàng, trong trường hợp không loại bỏ được tạp chất thì bị buộc tiêu hủy.

Hành vi bơm tạp chất cấm vào tôm là hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, người thực hiện hành vi này hiện nay có thể bị xem xét xử lý theo Điều 317 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể là sẽ bị kết án từ 1 đến 3 năm tù với trường hợp gây hậu quả ít nghiêm trọng; từ 3 đến 7 năm tù với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng; trên 7 năm với hành vi phạm tội rất nghiêm trọng.

Cùng nhìn nhận vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, có thể nói rằng hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vô đạo đức, chỉ vì ham lợi nhuận mà người ta sẵn sàng đầu độc đồng loại.

Theo luật sư, việc bơm tạp chất vào tôm cũng là hành vi vô đạo đức.

Trong trường hợp những tạp chất này chưa gây ra hậu quả nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người thì hành vi của những người này cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 5 Điều 16 Nghị định 178/2013/NĐ-CP.

Theo các luật sư, bơm tạp chất vào tôm là một hành vi gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe của người khác và gây thiệt hại không nhỏ đến ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Để hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng này, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 16 Nghị định 178/2013/NĐ-CP, mức xử phạt sẽ như sau: 

a) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản.

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển thủy sản có tạp chất, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thuê người khác vận chuyển thủy sản có tạp chất, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thu gom, bảo quản, kinh doanh thủy sản có tạp chất do được đưa vào.

đ) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sơ chế, chế biến thủy sản có chứa tạp chất do được đưa vào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn