MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nghiêm Thúy Nga khóc tại tòa.

Tiểu thương chợ Long Biên khóc nức nở khi giáp mặt Hưng "kính" ở tòa

Cường Ngô - Tô Thế LDO | 25/07/2019 11:30

Theo bị hại Nghiêm Thúy Nga, trong số 5 bị cáo, có bị cáo Lê Thanh Hải là người đã uy hiếp tinh thần chị bằng ngôn từ không chấp nhận được, đến nỗi chị phải tự tử vì không chịu được uất ức.

Bị hại khóc nức nở khi giáp mặt ông trùm

Sáng nay (25.7), Toà án Nhân dân TP. Hà Nội tiếp tục đưa bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”) và 4 đàn em gồm Nguyễn Hữu Tiến, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long, Dương Quốc Vương ra xét xử trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản của tiểu thương chợ Long Biên.

"Ông trùm bảo kê" Hưng "kính" xuất hiện tại tòa với bộ đồng phục bảo hộ màu xanh, gương mặt tiều tụy. Hưng "kính" bị đau chân nên được tòa cho phép ngồi khi trả lời Hội đồng xét xử.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Tô Thế

Trong phần thủ tục phiên tòa, bị hại là chị Nghiêm Thúy Nga (SN 1981, Hà Nội) khi giáp mặt với "ông trùm" Nguyễn Kim Hưng đã bất ngờ bật khóc nức nở.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Mạnh Long là người được HĐXX gọi lên xét hỏi đầu tiên. Bị cáo Long thừa nhận toàn bộ hành vi của mình như cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội truy tố.

Bị cáo Long cho biết hành vi của bị cáo đã sai, khi thu tiền của các hộ kinh doanh nhưng không thực hiện việc bốc dỡ hàng hóa. Giải thích cho việc này, bị cáo Nguyễn Mạnh Long cho biết do thực hiện theo hợp đồng bốc dỡ hàng hóa giữa tổ bốc dỡ và tiểu thương chợ Long Biên.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Long.

“Các bị cáo không thực hiện việc bốc dỡ hàng hóa nhưng tại sao vẫn thu tiền của gia đình chị Nga?”, Hội đồng xét xử chất vấn.

“Vì đã thỏa thuận như vậy rồi. Bị cáo không biết được. Tất cả công việc bị cáo làm đều thực hiện theo lệnh của Tổ trưởng Nguyễn Kim Hưng và báo cáo lại trong buổi họp giao ban sáng”, bị cáo Long nói.

Đã 2 lần tự tử vì không chịu được uất ức

Ngay sau đó, chị Nghiêm Thúy Nga cho biết, vợ chồng chị kinh doanh hoa quả, ký 4 hợp đồng thuê kiốt tại chợ Long Biên để sử dụng 6 kiốt bán hàng.

Trong quá trình hoạt động, Hưng “kính” tự ý thông báo với chị là Ban Quản lý chợ Long Biên giao cho Hưng toàn quyền giải quyết các vấn đề tại bãi hải sản, trong đó có quyền bán chỗ đỗ xe gây quỹ công đoàn, nếu chị muốn có chỗ đỗ xe, yên ổn làm ăn trong chợ thì phải nộp cho nhóm của Hưng 100 triệu đồng một năm.

"Thực tế từ năm 2010 đến nay, chúng tôi phải nộp cho Hưng “kính” hơn 1 tỉ đồng tiền bốc dỡ hàng hóa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các nhân viên tổ bốc dỡ không hề làm việc, không thực hiện bốc dỡ, toàn bộ việc bốc dỡ hàng do nhân viên của chúng tôi làm. Song, tiền họ vẫn thu và thu rất nhiều. Chúng tôi phản đối, lập tức bị họ dằn mặt, khủng bố”, chị Nga cho hay.

Chị Nghiêm Thúy Nga.

“Tại sao không thuê tổ bốc dỡ làm việc nhưng chị vẫn nộp tiền cho họ?”, Hội đồng xét xử hỏi.

Chị Nga cho biết: “Khi xe hàng của chúng tôi về chợ, họ cho đối tượng nghiện nặng tên Cường (luôn trong tình trạng phê ma túy) nhảy lên xe tôi, đe dọa nhân viên tôi, khủng bố tinh thần tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải “ngậm đắng nuốt cay” nộp tiền cho các bị cáo”.

Theo lời chị Nga, trong số 5 bị cáo có bị cáo Lê Thanh Hải là người đã uy hiếp tinh thần chị, bằng ngôn từ không chấp nhận được.

“Nhiều lần hàng của tôi đến chợ, nhưng tôi không ra nhận được, vì các đối tượng của tổ bốc dỡ sỉ vả tôi, chửi bới tôi trước mặt chủ mối hàng. Nhiều lần tôi phải vào trong quầy khóc vì uất ức. Đã hai lần tôi phải tự tử trước hành vi mà bọn chúng gây ra cho tôi”, chị Nga cho hay.

Được gọi lên chất vấn, bị cáo Lê Thanh Hải cho rằng, bản thân mình không uy hiếp tinh thần chị Nga, mà chỉ dùng cá thối đặt trước cửa hàng chị Nga, mục đích gây sức ép.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn