MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung.

Tín dụng đen hoạt động bằng những thủ đoạn nào?

Xuân Hùng LDO | 13/12/2018 16:24
Sáng 13.12, tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hoá, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an tỉnh này đã chỉ ra một số dạng thức tồn tại, phương thức hoạt động của các băng nhóm "tín dụng đen" đã và đang hoành hành thời gian qua.

Theo đó, tín dụng đen thường tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.

Hình thức cho vay dưới dạng là Cty dịch vụ tài chính: Trước đây, việc hoạt động của các Cty dịch vụ tài chính không được cấp phép. Tuy nhiên, từ khi Thông tư số 39/2014/ND-CP ngày 7/5/2014được ban hành thì hoạt động của các Cty này được Sở KHĐT cấp phép hoạt động và đang phát triển mạnh, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.

Thứ hai là hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Các cơ sở này thường biến tướng cho vay với lãi suất rất cao dưới hình thức giao dịch mua bán, cầm cố tài sản.

Hình thức thứ ba là các tổ chức, cá nhân có tiền, tài sản hoạt động tín dụng bất hợp pháp, cho vay lãi nặng. Điển hình là các giao dịch vay nợ với lãi suất cao trong nhân dân; các đối tượng hình sự làm tín dụng, cho vay trong các sới bạc dưới các hợp đồng viết tay, hợp đồng bán nhà, đất, xe ô tô và tài sản có giá trị khác.

Phương thức, thủ đoạn trong hoạt động tín dụng trái pháp luật thường là các Cty dịch vụ tài chính được đăng ký và cấp phép hoạt động tại Sở KHĐT, Giám đốc Cty là người có đủ điều kiện theo quy định, tuy nhiên đa phần các Cty dịch vụ tài chính thường là do một số đối tượng hình sự đứng sau điều hành, tổ chức hoạt động.

Các Cty dịch vụ tài chính tiến hành hoạt động cho vay tiền bằng cách vay không thế chấp, lập hồ sơ mua bán tài sản, sau đó làm hợp đồng cho thuê lại tài sản, viết giấy nhận tiền xin việc... nhưng thực chất là hoạt động “tín dụng đen” với lãi suất cao.

Thủ đoạn của những cơ sở này là khi người vay đến cầm cố tài sản, các đối tượng lập 2 hợp đồng, trong đó hợp đồng thứ nhất có nội dung cầm cố tài sản và giao cho chủ tài sản; hợp đồng thứ 2 có nội dung thuê lại tài sản có lãi suất 7%/tháng hoặc lớn hơn nhưng không giao cho người vay tiền giữ. Đến hạn thanh toán, người cầm có tài sản phải thanh toán cả 2 hợp đồng với mức lãi suất 15% trở lên.

Khi hết thời hạn vay mà người vay chưa trả nợ, vẫn còn muốn vay nữa thì phải làm giấy chốt nợ cũ để lập hợp đồng mới. Hợp đồng mới (số tiền vay mới) bao gồm cả tiền gốc cộng tiền lãi của hợp đồng cũ. Khi đến thời hạn thanh toán mà người vay tiền không thể trả nợ một lúc hết số tiền gốc và tiền lãi, thì người vay phải trả nợ trước khoản tiền lãi đã phát sinh mà không được trừ vào số tiền gốc. Khi nào thanh toán hết số tiền lãi thì mới được trả nợ số tiền gốc đã vay. Do đó số tiền phải trả tăng lên rất nhanh.

Quá trình hoạt động các băng nhóm tín dụng đen đã sử dụng các đối tượng hình sự có tiền án, tiền sự, thanh thiếu niên hư hỏng tiền hành các hoạt động đòi nợ như đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, ném chất bẩn... làm phát sinh các loại tội phạm như: Cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật...

Các đối tượng dùng thủ đoạn để buộc người vay phải bán tài sản, nhà cửa để trả nợ. Làm cho nhiều người vay tiền do không trả được nợ phải bỏ trốn. Sau khi người vay tiền đã bỏ trốn, chủ nợ cho vay làm đơn tố cáo người vay tiền có hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, rồi gửi đến Cơ quan điều tra đề nghị khởi tố điều tra để xử lý hình sự...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn