MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Anh Tú

Tòa bác quan điểm luật sư nói Trương Mỹ Lan không tham ô tài sản

Nhóm PV LDO | 11/04/2024 11:40

TPHCM - Sáng 11.4, TAND TPHCM tuyên án vụ Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan. HĐXX xác định bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ thực sự của SCB, là người chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động tại SCB.

HĐXX nhận định, dựa vào lời khai tại tòa của các bị cáo, đa số thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng. Lời khai các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp người làm chứng, người liên quan và các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở xác định Trương Mỹ Lan là chủ của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Đồng thời, căn cứ tài liệu và lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa, thể hiện bị cáo Trương Mỹ Lan là người sở hữu thực sự và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.

Do đó, HĐXX không chấp nhận lời bào chữa của bị cáo Lan và các luật sư về việc bị cáo Lan thực tế chỉ sở hữu 15% cổ phần – bao gồm của bị cáo và 2 người con gái. Quá trình điều tra, những người đứng tên trên 75% cổ phần tại SCB đều thừa nhận đứng tên giùm Trương Mỹ Lan.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Anh Tú

Việc nắm giữ 91,5% cổ phần SCB thì bị cáo Lan là người có quyền tuyển chọn, bố trí các vị trí chủ chốt tại ngân hàng này. Từ đó, Trương Mỹ Lan chỉ đạo cựu lãnh đạo cao cấp tại SCB, sử dụng SCB như là công cụ tài chính, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, sau đó sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để lập hồ sơ vay giả mạo, tăng giá trị tài sản đảm bảo, và thực hiện các giao dịch không hợp pháp.

Bằng cách này, bị cáo đã giải ngân hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng SCB trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2022.

Tuy nhiên, đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay với dư nợ tại SCB lên đến hơn 677.000 tỉ đồng không có khả năng thu hồi (gồm hơn 484.000 tỉ đồng dư nợ gốc và hơn 193.000 tỉ đồng tiền lãi).

Từ đó, HĐXX không chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư cho rằng, bị cáo Trương Mỹ Lan không cấu thành tội Tham ô tài sản.

Với nhóm bị cáo là lãnh đạo SCB và cán bộ chủ chốt tại Vạn Thịnh Phát như Võ Tấn Hoàng Văn, Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Đặng Phương Hoài Tâm, Tạ Chiêu Trung, Trương Huệ Vân..., mặc dù biết hồ sơ vay vốn khống là để bị cáo Trương Mỹ Lan rút tiền, nhưng các bị cáo vẫn giúp sức cho mượn pháp danh công ty, thuê người đứng tên, tạo điều kiện cho bị cáo Lan rút tiền của SCB. Do đó, bị cáo Lan chịu trách nhiệm hình sự về tội danh nào thì các bị cáo này sẽ chịu trách nhiệm tương đương.

Hành vi của các bị cáo trong vụ án đã gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Ngân hàng SCB, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình an ninh tiền tệ quốc gia, tạo dư luận xấu, gây mất niềm tin của nhân dân đối với hoạt động ngân hàng…

HĐXX đang tiếp tục đọc bản án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn