MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu tại buổi chiều công bố bản án. Ảnh: Việt Hùng

Toà liệt kê khoản tiền khủng nhận hối lộ vụ chuyến bay giải cứu

Việt Dũng LDO | 29/07/2023 10:05

Hội đồng xét xử xác định, các bị cáo lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ được giao đã nhận hối lộ hơn 164 tỉ đồng, còn các cá nhân đại diện cho doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng để cấp phép, tổ chức các chuyến bay giải cứu.

Nhận tiền khủng từ doanh nghiệp

Trong phần công bố bản án với 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu, Hội đồng xét xử (HĐXX) Toà án Nhân dân TP Hà Nội đã công bố số lần nhận các khoản tiền khủng của nhóm "Nhận hối lộ".

Ngoài tuyên án với 54 bị cáo, HĐXX đã liệt kê những lần nhận tiền của nhóm 21 bị cáo nhận hối lộ, 23 cá nhân đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ.

Theo đó, căn cứ vào hồ sơ, kết quả tranh tụng tại phiên toà, HĐXX thấy, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước phòng chống dịch. Chính phủ đã giao cho Văn phòng Chính phủ, tổ công tác một số bộ, ngành địa phương cấp phép các chuyến bay.

Thực hiện chủ trương trên, từ tháng 9.2020-12.2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ số tiền hơn 164 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng.

23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng. 4 cá nhân đã môi giới hối lộ hơn 74 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 24 tỉ.

Cụ thể, bị cáo Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, từ tháng 9.2020-1.2022 đã 253 lần nhận hối lộ, tổng số tiền 42,6 tỉ đồng; Vũ Anh Tuấn - cựu Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an, nhận hối lộ từ tháng 6.2021-1.2022 là 49 lần, tổng số hơn 27 tỉ đồng.

Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, từ tháng 12.2020-1.2022 đã nhận hối lộ 32 lần, tổng số tiền hơn 25 tỉ đồng; Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, từ tháng 12.2020-1.2022 đã 37 lần nhận hối lộ, số tiền 21,5 tỉ đồng; Đỗ Hoàng Tùng - cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, từ tháng 1.2020-12.2021, đã nhận hối lộ 38 lần, tổng số tiền hơn 12 tỉ đồng.

Trần Văn Dự - cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, đã nhận hối lộ hơn 7 tỉ đồng; Trần Văn Tân - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, từ tháng 5-12.2021 nhận hối lộ 9 lần, số tiền 5 tỉ đồng; Nguyễn Quang Linh - cựu Trợ lý nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 3-4.2021, nhận hối lộ 5 lần, số tiền hơn 4 tỉ đồng; Chử Xuân Dũng - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, từ tháng 6-10.2021 đã nhận hối lộ 7 lần, số tiền hơn 2 tỉ đồng.

Vũ Hồng Nam - cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, từ tháng 1-11.2021, đã nhận hối lộ hơn 1,8 tỉ đồng...

Bị cáo Hoàng Văn Hưng - cựu Trưởng phòng điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 18 tỉ đồng; Trần Minh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thái Hoà đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 5,6 tỉ đồng, đưa hối lộ hơn 700 triệu đồng.

Ở nhóm đưa hối lộ, bị cáo Lê Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, từ tháng 11.2020-12.2022 đã đưa hối lộ 76 lần, với số tiền hơn 100 tỉ đồng.

Hoàng Diệu Mơ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Dịch vụ Hàng không An Bình - đưa hối lộ 41 lần, tổng số tiền hơn 34 tỉ đồng; Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại du lịch Lữ Hành Việt, đưa hối lộ 22 lần, tổng số tiền hơn 27 tỉ đồng...

Bị cáo Phạm Trung Kiên nhận hối lộ nhiều nhất song đã khắc phục gần hết số tiền 42,6 tỉ đồng nên được toà tuyên tù chung thân. Ảnh: Quang Việt

Hành vi nhận hối lộ chứ không phải cảm ơn

Theo toà, các cá nhân nhận hối lộ, tại khoản 1, Điều 354 Bộ Luật hình sự quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Tại khoản 2, Điều 22 Luật Phòng, chống Tham nhũng năm 2018 thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Quá trình điều tra và kết quả tranh tụng tại phiên toà thể hiện, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, một số doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đến Văn phòng Chính phủ, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đề nghị cấp phép tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn trong việc xin phép, bị từ chối hoặc không trả lời.

Một số doanh nghiệp đã được cấp phép tổ chức chuyến bay nhưng nhận được văn bản cấp phép muộn, sát với thời điểm tổ chức chuyến bay làm cho doanh nghiệp không tổ chức được hoặc bị thua lỗ.

Xuất phát từ việc khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với các bị cáo là cán bộ, công chức cơ quan nhà nước đặt vấn đề nhờ vả, giúp đỡ tạo điều kiện cho doanh nghiệp được cấp phép tổ chức chuyến bay.

Các bị cáo Kiên, Vũ Anh Tuấn đã đòi hỏi, sách nhiễu đưa ra giá yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng mới tạo điều kiện để cấp phép. Một số bị cáo khác mặc dù không đưa ra yêu cầu cụ thể, không trực tiếp thoả thuận với các doanh nghiệp nhưng đều gặp gỡ, trao đổi, thống nhất, tạo điều kiện. Trước hoặc sau khi được cấp phép tổ chức chuyến bay, doanh nghiệp đã đưa tiền cho các bị cáo "cảm ơn".

Tuy nhiên, số tiền "cảm ơn" đều dựa trên số lượng chuyến bay được cấp phép, lượng khách được đưa về nước và cân đối với lợi ích doanh nghiệp trong việc tổ chức chuyến bay. Số tiền đưa rất lớn, đặc biệt lớn, có lần lên đến hàng tỉ đồng, hàng trăm nghìn USD.

Việc đưa tiền - nhận tiền diễn ra nhiều lần, thường xuyên, liên tục, số tiền vượt quá mức thu nhập bình quân của cán bộ, công chức.

"Hành vi của các bị cáo nêu trên là hành vi nhận hối lộ", bản án nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn