MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tòa nhận định cần có hình phạt nghiêm khắc nhất với Trương Mỹ Lan

Nhóm PV LDO | 11/04/2024 13:34

TPHCM - Trong phần nhận định hành vi phạm tội, HĐXX xác định bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội như cáo trạng truy tố, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vì vậy, cần xử lý khung hình phạt nghiêm khắc nhất.

Ngày 11.4, TAND TPHCM tuyên án vụ Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Cần có mức án nghiêm khắc nhất đối với Trương Mỹ Lan

Đại diện HĐXX của TAND TPHCM xác định, bị cáo Trương Mỹ Lan có 3 tội như cáo trạng, gồm: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản và Đưa hối lộ.

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Anh Tú

Ngoài những hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan mà HĐXX đã trình bày, HĐXX cũng ghi nhận bị cáo Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức; hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... vì vậy cần có hình phạt nghiêm khắc nhất mới đảm bảo tính răn đe.

Ngoài ra, trong quá trình xét xử, luật sư bào chữa của bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, có thư của CEO một tập đoàn lớn ở nước ngoài gửi đến tòa để nói về phương thức đầu tư. Song, theo HĐXX, lá thư này chỉ nêu tầm nhìn của vị CEO với bị cáo Lan, nêu nguyện vọng các nhà đầu tư có quan tâm thì đầu tư.

Tòa cho rằng, TPHCM nói riêng và Nhà nước nói chung luôn tạo điều kiện, khuyến khích để nhà đầu tư tham gia đầu tư. Tuy nhiên, trong phạm vi xét xử và khắc phục hậu quả trong vụ án này, HĐXX cho rằng, văn bản đó không nêu rõ khoản đầu tư nào, giá trị đầu tư bao nhiêu, hình thức đầu tư là gì… để đảm bảo khả năng giúp bị cáo Trương Mỹ Lan khắc phục hậu quả vụ án. Vì vậy, không thể xem đó là văn bản để có thể góp phần vào việc giải quyết hậu quả vụ án.

Cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn nhận tiền nhiều lần trong thời gian dài

Với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II), HĐXX nhận định, quá trình thanh tra SCB, bị cáo Nhàn biết bị cáo Trương Mỹ Lan là người chủ thật sự của SCB nên đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, thông qua Võ Tấn Hoàng Văn 2 lần gặp Lan để trao đổi về kết quả thanh tra. Trương Mỹ Lan đề nghị Nhàn hỗ trợ SCB để các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào SCB.

Sau cuộc gặp với Lan, Nhàn đã nhận tổng cộng 5,2 triệu USD thông qua Văn. Trong quá trình thanh tra, Nhàn đã chủ trì xây dựng kết luận thanh tra theo hướng không đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt và không chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II). Ảnh: Anh Tú

HĐXX cho rằng, việc Nhàn xin ý kiến chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước) và chỉ đạo các thành viên đoàn thanh tra chỉ là phương thức để Nhàn thực hiện thỏa thuận với Lan và nhận 5,2 triệu USD.

Số tiền hối lộ Nhàn nhận đều trong quá trình bị cáo đang xây dựng kết luận thanh tra, lần cuối cùng là sau khi ban hành kết luận thanh tra.

Theo HĐXX, Nhàn đã nhận nhiều lần, trong thời gian dài và bị cáo đã chủ động cung cấp password (mật khẩu) nhà riêng để bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn mang tiền vào nhà.

Vì vậy, HĐXX không chấp nhận quan điểm của bị cáo Nhàn và các luật sư. Đồng thời, HĐXX từ chối quan điểm của Trương Mỹ Lan và các luật sư rằng, bị cáo Lan không phạm tội Đưa hối lộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn