MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Toà tuyên y án sơ thẩm: Đại diện Vinasun và Grab nói gì?

Đình Trường LDO | 11/03/2020 12:12

Ngày 10.3, Toà án Nhân dân Cấp cao TPHCM tuyên bản án phúc thẩm, buộc Grab vẫn phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng. Phía Grab và Vinasun sau đó đã có những trao đổi với báo chí xung quanh phán quyết này. 

Theo đó, trao đổi với phóng viên, ông Trương Đình Quý - Phó Tổng giám đốc Vinasun cho biết: "Mặc dù kháng cáo của bên nguyên đơn là Vinasun không được chấp nhận, khi đòi khoản bồi thường 41,2 tỉ đồng nhưng với kết quả của phiên phúc thẩm, chúng tôi cũng cảm thấy rất vui mừng. Điều đó đã khẳng định những vi phạm và những thiệt hại mà Grab đã gây ra".

Ông Trương Đình Quý - Phó Tổng giám đốc Vinasun.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam bày tỏ sự đáng tiếc với phán quyết của toà phúc thẩm.

"Đó là một ngày rất buồn cho công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Chúng tôi đã bám sát và thành công với đề án thí điểm theo quyết định 24. Bằng chứng là đã được chính phủ gia hạn thêm 2 năm nữa cho đề án này.

Tuy nhiên, tại phiên toà, chúng tôi đã đưa ra nhiều chứng cứ cũng như là kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân nhưng toà vẫn quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tôi cảm thấy rất đáng tiếc về phán quyết này" - bà Vân nói.

Tuy vậy, đại diện Grab cũng khẳng định, kết quả của phiên toà phúc thẩm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Grab.

"Trong những ngày sắp tới, chúng tôi với hành lang pháp lý vừa mới được hợp thức hoá từ Nghị định 10 (từ ngày 1.4), sẽ tích cực làm việc với cơ quan chức năng để tuân thủ nghiêm ngặt Nghị định này. Điều đó sẽ mở rộng hoạt động của Grab một cách chính thức, ngoài phạm vi 5 thành phố tham gia thí điểm" - đại diện Grab cho biết.

Grab khẳng định phán quyết của toà không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động.

Về câu hỏi có xem xét khả năng tiếp tục kháng nghị bản án phúc thẩm, đại diện Grab nói sẽ xem xét nhiều phương án để có được sự công bằng. 

Trước đó, theo nội dung vụ án, Vinasun cho rằng Grab đã lợi dụng việc Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định 24 (ngày 7.1.2016) về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi gây náo loạn thị trường. 

Vinasun cho rằng mặc dù Grab nhận là công ty cung ứng phần mềm nhưng thực chất đang hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Việc này đã dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho Vinasun.

Vì vậy, Vinasun khởi kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỉ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017.

Chiều 10.3, Toà án Nhân dân Cấp cao TPHCM đã tuyên bản án phúc thẩm, nhận định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải, hoạt động của Grab có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại của Vinasun. Tuy nhiên, hội đồng xét xử nhận định những thiệt hại của Vinasun còn xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác. Toà quyết định buộc Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn