MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên sơ thẩm xét xử vụ tai biến chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình sẽ diễn ra vào ngày 8.1

Tổng hội Y học VN lên tiếng trước phiên sơ thẩm BS Hoàng Công Lương

L.Hà LDO | 05/01/2019 07:57

Tổng hội Y học Việt Nam đã lên tiếng sau khi bác sĩ (BS) Hoàng Công Lương - một trong 7 người bị khởi tố trong vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình - gửi đơn "kêu cứu".

GS.TS Lê Gia Vinh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam - đã có đơn gửi Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hoà Bình, Toà án Nhân dân tỉnh Hoà Bình và Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Hoà Bình.

Theo đó, Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, về nguyên nhân gây tử vong cho các bệnh nhân chạy thận nhân tạo đã được các cơ quan có thẩm quyền kết luận do tồn dư hoá chất HF trong nước RO sử dụng cho chạy thận nhân tạo (cao gấp 240-260 lần mức cho phép) sau sửa chữa hệ thống nước RO. Việc sửa chữa hệ thống nước RO là do người khác thực hiện. Vậy, bác sĩ Hoàng Công Lương có phải mắc tội "Vô ý làm chết người không?". Việc kết tội bác sĩ Hoàng Công Lương đang làm rúng động trong ngành y tế gây nên sự hoang mang dao động cho các bác sĩ hành nghề.

Cũng theo Tổng hội Y học Việt Nam, về mối quan hệ nhân quả giữa nguyên nhân gây ra tử vong cho các bệnh nhân chạy thận và bác sĩ Hoàng Công Lương, đề nghị cơ quan chức năng xem xét.

Theo bác sĩ Hoàng Công Lương, quy trình chạy thận nhân tạo tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình chỉ duy nhất dựa vào đồng hồ đo độ dẫn điện hệ thống nước RO và rửa máy test chạy thận an toàn. Thực tế ngày 29.5.2017 rửa máy, test máy đều bình thường và đồng hồ đo dẫn điện hệ thống RO trong giới hạn an toàn thì ai có thể thấy trước hậu quả chết người xảy ra.

Đến thời điểm xảy ra sự cố, BV đa khoa tỉnh Hoà Bình chưa ban hành quy chế sửa chữa thiết bị y tế nói chung, trong đó có sửa chữa hệ thống nước RO. Bác sĩ Hoàng Công Lương chỉ thực hiện ra y lệnh chạy thận nhân tạo sau khi Trần Văn Sơn - nhân viên phòng Vật tư – Thiết bị y tế (BV đa khoa tỉnh Hoà Bình) bàn giao cho điều dưỡng Đỗ Thị Điệp qua điện thoại chiều 28.5.2017 là hệ thống RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường. Sáng 29.5.2017, các điều dưỡng đã khởi động hệ thống RO, quan sát đồng hồ đo dẫn điện trong giới hạn an toàn, rửa máy thận và test máy thận nhân tạo đều bình thường.

Với những chi tiết trên, Tổng hội y học Việt Nam đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hoà Bình, Toà án Nhân dân tỉnh Hoà Bình và Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Hoà Bình xem xét toàn diện trên cơ sở khoa học và thực tiễn để đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội.

Ngày 8.1 tới, phiên xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 6 bị can trong vụ tai biến chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình làm 9 người chết hồi tháng 5.2017 sẽ diễn ra.

Trong hơn 7 tháng sau phiên sơ thẩm vụ tai biến chạy thận bị trả lại hồ sơ điều tra bổ sung, đã có nhiều thay đổi trong quá trình điều tra bổ sung. Tại phiên xét xử sơ thẩm lần 1 vào tháng 5.2018, chỉ có 3 bị cáo hầu tòa là Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh; bác sĩ Hoàng Công Lương - Khoa Hồi sức tích cực, nay là viên chức phòng Công nghệ thông tin và Trần Văn Sơn - nhân viên phòng Vật tư – Thiết bị y tế thì lần xét xử thứ 2 này sẽ có 7 bị cáo hầu tòa.

Tại phiên xử xử lại vào 1.8.2019, sẽ có thêm 4 bị cáo mới bị truy tố gồm: Trần Văn Thắng - nguyên Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị y tế; Hoàng Đình Khiếu - Phó Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình; Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình và Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn