MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cuộc sống của những đứa trẻ "không bao giờ lớn"

Thạch Thảo LDO | 23/03/2019 10:52

Mỗi sáng, từng căn nhà nhỏ xinh ấy lại ngập tràn tiếng gọi của các “mẹ”: “Dậy đi nào mấy đứa ơi”, “Dậy ăn sáng nào, đánh răng rửa mặt còn đi học”, “Đăng ơi, Dung ơi, … dậy thôi".

Xuất phát từ nguyện vọng của ông George Mizo – cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến 4 năm ở Việt Nam, Làng Hữu nghị (huyện Hoài Đức, Hà Nội) được thành lập và trở thành ngôi nhà chung giúp các em nhỏ chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam sinh sống và học tập.
Những năm gần đây, khi số lượng trẻ tự kỷ ngày một tăng, Làng Hữu Nghị đã mở rộng các đối tượng tiếp nhận, nhằm đáp ứng nhu cầu của các bậc cha mẹ.
Hơn 100 thành viên của Làng bao gồm: trẻ mắc chứng tự kỷ, trẻ khuyết tật, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam,… được chia ra làm nhiều lớp học tùy theo trình độ nhận thức của các em. Trong một lớp học có những em chỉ 6-7 tuổi, cũng có các em đã 24-25 tuổi. Thế nhưng chúng vẫn vui đùa với nhau hồn nhiên như những đứa trẻ khác.
Các lớp học văn hóa dạy các em tập viết chữ, đánh vần, vẽ tranh… Các em lớn hơn một chút, khéo hơn một chút thì được các cô giáo dạy nghề làm hoa, may vá, học vi tính…
Còn đối với những bạn thuộc lớp đặc biệt – phần lớn là trẻ mắc chứng tự kỷ, rối loạn hành động, các em được dạy thực hiện những việc đơn giản nhất phục vụ cho cuộc sống của chính mình: Tự uống nước, quét nhà, rửa tay, tắm gội…
Không chỉ có các lớp học, tại Làng Hữu nghị còn xây dựng khu nhà nội trú cho hơn 100 học sinh. Khu nội trú được các em gọi với cái tên quen thuộc: “Nhà”.
Lịch lên lớp đều đặn mỗi ngày: Cứ 7h30 vào học, 10h tan. Mỗi sáng, từng căn nhà nhỏ xinh ấy lại ngập tràn tiếng gọi của các “mẹ”: “Dậy đi nào mấy đứa ơi”, “Dậy ăn sáng nào, đánh răng rửa mặt còn đi học”, “Đăng ơi, Dung ơi, … dậy".
Tự kỷ không phải là một căn bệnh. Nguyên nhân của tự kỷ từ một số thay đổi về gen hiếm gặp, hoặc đột biến có liên quan tới triệu chứng này.
Nhận thức được điều này, các giáo viên tại "ngôi trường đặc biệt" đang có những biện pháp nhằm can thiệp trực tiếp tới nhận thức của những đứa trẻ ấy.
Theo chị Thảo – giáo viên của lớp Đặc biệt I: “Hội chứng tự kỷ và rối loạn phổ tự kỷ hiện nay không hiếm gặp. Tuy nhiên nhận thức của xã hội nói chung và của các bậc cha mẹ về vấn đề này là chưa nhiều. Đây cũng là một khó khăn đối với những giáo viên như chúng tôi. Tài liệu và phương pháp trong nước cũng không phong phú, vì thế Làng luôn luôn mở rộng kết hợp cùng các chuyên gia của nước ngoài để chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm phương pháp mới”.
Mỗi cá nhân tự kỷ là duy nhất, không ai giống ai. Nhiều người mắc hội chứng phổ tự kỷ có những khả năng đặc biệt về âm nhạc, thị giác, khả năng học tập.
Các nghiên cứu hiện nay đã chứng minh việc can thiệp giáo dục sớm dẫn đến những kết quả tốt cho trẻ và gia đình. Can thiệp sớm có thể bao gồm việc dạy trẻ nhận biết những gì đang xảy ra trong môi trường xung quanh, biết chú ý, biết bắt chước hành vi, dần dần cải thiện những kỹ năng giao tiếp của trẻ. Tuỳ theo nhu cầu của trẻ, sự can thiệp sớm có thể bao gồm trị liệu ngôn ngữ, vật lý và hướng nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn