MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Công an đang dự thảo thông tư đề nghị trang bị súng tiểu liên, súng ngắn cho Cảnh sát giao thông. Ảnh minh họa: Trần Vương

Trang bị súng tiểu liên cho CSGT: Không phải tùy tiện thích là "bóp cò"

VƯƠNG TRẦN LDO | 08/10/2019 06:40
“Việc sử dụng các loại vũ khí như súng ngắn, súng tiểu liên… phải tuân theo các quy định của pháp luật, không phải “tùy tiện” thích nổ súng lúc nào cũng được”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nói.

Bộ Công an vừa đăng tải dự thảo thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT). Đáng chú ý, dự thảo quy định lực lượng CSGT có thể được trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ như: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn caosu, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn đánh dấu sơn, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8.

Trao đổi với phóng viên Lao Động về việc này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội) cho rằng, việc trang bị vũ khí nóng như súng cho CSGT là cần thiết.

Đặc biệt, khi CSGT thực nhiệm vụ nhất là tuyến tuần tra phức tạp về an ninh trật tự hay có vấn đề về hoạt động về tội phạm ma túy như các tỉnh biên giới, các tuyến đường giáp vùng biên thì điều này là rất cần thiết.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội. Ảnh Quochoi.vn

Cùng với việc trang bị vũ khí, Thiếu tướng Hồng cho rằng, lực lượng được giao vũ khí, thiết bị cần có quy định chặt chẽ về việc huấn luyện, kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định về việc sử dụng súng.

“Để đảm bảo hiệu quả, an toàn và phát huy được tác dụng của việc trang bị vũ khí này, việc trang bị phải được lựa chọn kỹ càng, có trong các kế hoạch tuần tra kiểm soát chứ không thực hiện một cách tùy tiện. Các trường hợp được nổ súng đã có quy định rất rõ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, chứ không phải “thích thì nổ”” – Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nói.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 1.7.2018 quy định rất rõ 11 trường hợp CSGT được nổ súng, trong đó có 5 trường hợp phải cảnh báo trước và 6 trường hợp nổ súng không cần cảnh báo.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng quy định cảnh sát chỉ được sử dụng súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng; Không sử dụng súng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí tấn công hoặc chống trả…

Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc trang bị thêm vũ khí cho các lực lượng vũ trang là để họ thực hiện tốt hơn nhiệm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, khi đề xuất này được thông qua, cơ quan chức năng cần phải xem xét đối với địa bàn nào, tổ tuần tra nào cần trang bị súng tiểu liên.

"Cần có quy định rất rõ ràng để tránh việc sử dụng súng không đúng mục đích. Vì súng tiểu liên sẽ gây sát thương lớn, có thể gây tử vong cho đối tượng nghi ngờ phạm tội hoặc những người tham gia giao thông. Do đó, cần phải căn cứ cụ thể từng địa phương, trường hợp có dấu hiệu tội phạm như buôn bán ma túy, cướp có vũ trang… thì trường hợp nào được phép truy đuổi, được dùng phương tiện kỹ thuật hay vũ khí để ngăn chặn, bắt giữ đối tượng", luật sư Thơm nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn