MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân cần nâng cao cảnh giác trước cuộc gọi, tin nhắn thông báo "khoá thuê bao". Ảnh: Quang Việt

Tránh bẫy “khoá thuê bao” lừa đảo của tội phạm lợi dụng chuẩn hoá thông tin

QUANG VIỆT LDO | 16/03/2023 06:45

Dự báo tình trạng thủ đoạn “khoá thuê bao” điện thoại tái xuất, khi ngày 31.3 tới, nhà mạng sẽ chuẩn hoá thông tin, tội phạm sẽ lợi dụng để lừa đảo, các chuyên gia, công an đưa ra cảnh báo cùng cách ứng phó. 

Nguy cơ tái xuất thủ đoạn lừa đảo “khoá thuê bao”

Còn nhớ, thời gian khoảng nửa cuối năm 2022, nhiều người dân vô cớ nhận các tin nhắn, cuộc gọi điện thoại có dấu hiệu lừa đảo dưới hình thức “khoá thuê bao”. Không ít người đã sập bẫy, làm theo các thao tác của chúng để bị chiếm quyền sử dụng sim. Từ đó, tội phạm đã chiếm tài khoản ngân hàng, cũng như các ví điện tử có tiền.

Theo thông báo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau ngày 31.3, thuê bao chưa chuẩn hoá thông tin sẽ bị khoá. Các chuyên gia công nghệ cảnh báo, các đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng quy định này để tiếp tục lừa đảo "khoá thuê bao".

Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam - NCS chia sẻ, người dùng khi nhận được thông báo sẽ “khóa thuê bao” dễ bị tác động về tâm lý.

Việc thông tin thuê bao phải trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư, điều này sẽ gây bối rối cho đa số người sử dụng. Khi không biết thông tin của mình có trùng khớp hay không, người dùng có tâm lý chờ đợi để xem mình có nhận được tin nhắn thông báo từ nhà mạng hay không.

Sự bất an này có thể dễ bị kẻ xấu lợi dụng để gửi các tin nhắn giả mạo, lừa đảo như: kích hoạt lại sim, đăng ký lại thông tin. Từ đó khách hàng có thể bị mất quyền sử dụng sim, cũng như hàng loạt các hệ lụy khác kéo theo.

Thời gian vừa qua, hình thức gửi tin nhắn brandname (dịch vụ hỗ trợ các nhà cung cấp quảng bá cho nhãn hàng, sản phẩm, dịch vụ hoặc chăm sóc khách hàng của mình) giả mạo đã rất phổ biến. Theo ông Sơn, nguy cơ này hoàn toàn có thể tái xuất trở lại.

Vì vậy, kể cả trong trường hợp nhận được thông báo từ brandname của nhà mạng, người dùng cũng cần hết sức cảnh giác đề phòng, cần xác minh lại qua kênh thứ 2 như gọi điện trực tiếp tới nhà mạng hoặc cẩn thận hơn thì đến điểm giao dịch để xác minh lại.

Ứng phó với thủ đoạn lừa đảo “khoá thuê bao”

Hôm đầu tháng 3.2023, anh H.A - làm việc tại một cơ quan nhà nước lần thứ hai nhận được cuộc gọi thông báo có thể “khoá thuê bao” trong vòng 1-2 tiếng. Kẻ gọi điện thoại sau đó chỉ dẫn để anh H.A thực hiện một số thao tác.

Cũng giống như lần trước (khoảng tháng 9.2022), số điện gọi đến cho anh H.A không phải dãy số tổng đài thường thấy, mà số thuê bao di động cụ thể. “Từng 2 lần bị dọa khoá thuê bao trong cùng một buổi sáng nên tôi đã nâng cao cảnh giác”, anh H.A chia sẻ và cho biết mặc kệ kẻ lừa đảo doạ dẫm.

Thời gian gần cuối năm 2022, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT) thông tin việc ghi nhận từ các hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác do đơn vị quản lý cho thấy, gần đây hàng loạt người dùng điện thoại di động phản ánh họ liên tục nhận được cuộc gọi đe dọa sẽ bị “khóa thuê bao điện thoại”.

VNCERT khuyến nghị, khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý.

Bộ Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo như đã nói ở trên. Đồng thời để bảo mật thông tin, tránh các cuộc gọi lừa đảo tiếp cận thì người dân không nên công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến khác, không nên làm theo yêu cầu của người lạ như: Tải đường dẫn về cài đặt, đăng nhập thông tin, tài khoản ngân hàng... nhằm tránh bị tội phạm lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn