MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh phiên toà vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Quang Việt

Tranh biện về kết quả giám định vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Việt Dũng LDO | 18/10/2023 13:37

Hà Nội - Cơ quan giám định đưa ra 3 giải trình để xác định các bị cáo vi phạm trong xây dựng khiến dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2 có nhiều đoạn hư hỏng, thiệt hại hơn 460 tỉ đồng.

Hôm nay (18.10), TAND Hà Nội tiếp tục xét hỏi với 22 bị cáo cùng các bên liên quan trong vụ án sai phạm tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo cáo buộc, tại giai đoạn 2 của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có chiều dài 72 km từ TP Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi chất lượng không đạt yêu cầu, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước 460 tỉ đồng.

Tại phiên toà, các nhà thầu tham gia dự án không đồng ý bồi thường thiệt hại tại 3 gói thầu, tổng trị giá 245 tỉ đồng. Các doanh nghiệp này cho rằng đều "làm đúng, chuẩn" và việc cơ quan giám định kết luận cao tốc "không đạt chất lượng là không có căn cứ". Một trong số doanh nghiệp còn đặt ra nghi vấn về sự đáng tin của các kết luận giám định.

Đại diện cơ quan giám định, Phân viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải phía Nam (ITST) tại toà đã đưa ra phản biện về các "quan ngại" của doanh nghiệp với kết luận giám định.

Về phương pháp giám định, các nhà thầu cho rằng việc sử dụng hai phương pháp giám định (phá hủy và không phá hủy) là "không đảm bảo tính khoa học" và cho kết quả trái ngược nhưng phía giám định vẫn kết luận nhiều hạng mục không đảm bảo chất lượng.

Về vấn đề trên, đại diện ITSTS khẳng định ông và hai cộng sự làm đúng quy trình, quy chuẩn. "Rất nhiều vấn đề các vị không hiểu hết và phát biểu trên góc độ cá nhân. Các vị tưởng đó là hai phương pháp mâu thuẫn nhau nhưng đó là cách hiểu sai lầm. Mỗi phương pháp thí nghiệm đều có giá trị giám định và phục vụ cho mục tiêu giám định nhất định, để đánh giá chất lượng toàn diện", giám định viên cho hay.

Đại diện này ví dụ, bề dày mặt đường có thể đo bằng phương pháp trực quan, do là tiêu chí nhìn thấy bằng mắt. Song có những chỉ tiêu phải dùng các thiết bị thí nghiệm độ chính xác rất cao. Và cả hai phương pháp đều bổ trợ nhau để đánh giá toàn diện chất lượng công trình, không hề mâu thuẫn nhau như tên gọi. Đây là "điều khiến các nhà thầu và các bị cáo đang bị lầm tưởng".

Với ý kiến của nhà thầu cho rằng tần suất lấy mẫu giám định rất thấp, dẫn đến kết quả cục bộ, không đại diện cho chất lượng cả tuyến, giám định viên Hùng giải thích việc lấy mẫu tần suất thế nào đều có nguyên tắc tại Quyết định 5633 năm 2014 của Bộ Giao thông Vận tải.

"Như các bị cáo nói lấy mẫu vậy là cục bộ thì để đánh giá hết hơn 130 km cao tốc sẽ phải đào banh hết lên để thí nghiệm, giám định mới đúng hay sao?", giám định viên nói và khẳng định, số lượng mẫu thí nghiệm lấy thực tế còn nhiều hơn so với hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.

Đại diện cơ quan giám định tiếp tục đưa ra các phản bác, cho rằng việc phải mắt thấy có hư hỏng mới là làm sai là "không phải". Ví dụ, lớp bê tông nhựa trên cùng, theo quy chuẩn phải là bê tông nhựa 12.5, nhưng thi công với bê tông nhựa 19, "trời phù hộ nó không hư hỏng nhưng không có nghĩa là làm đúng". Nhà nước trả tiền để mua sản phẩm đường cao tốc đúng quy chuẩn, chứ không phải đường chưa hỏng nghĩa là không sai.

Về "quan ngại" cho rằng việc lấy mẫu giám định đã trải qua 17 tháng khai thác sử dụng, chất lượng đường có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường và vận hành thực tế nên kết quả giám định có thể phản ánh không đúng các chỉ số chất lượng khi nghiệm thu, giám định viên cho hay, đây chính là lý do chọn lấy mẫu thí nghiệm ở khu vực làn dừng khẩn cấp, tức nơi ít xe lưu thông nhất, mặt đường không bị hằn lún, đảm bảo mặt đường còn nguyên độ lún ban đầu, hiện trạng bề mặt bê tông nhựa còn nguyên vẹn, không chịu tác động của tải trọng.

Tiếp đó, theo giám định viên, trước nay không có quy định là sau bao lâu không được làm giám định nhưng vẫn có khuyến cáo thời gian có thể ảnh hưởng đến một số tiêu chí như độ nhám của mặt đường.

"Toàn bộ các vị đều dựa vào câu bị ảnh hưởng thời tiết độ ẩm nhưng trời mưa gió thì con đường nào cũng phải chấp nhận, làm gì có chuyện đường sợ trời mưa gió. Đôi ba lượt xe đi mà đường đã hư thì bỏ nghề luôn, đi làm đường làm gì", giám định viên gay gắt.

Trong buổi sáng nay, các luật sư bào chữa cho 22 bị cáo trong vụ án sai phạm tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tham gia thẩm vấn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn