MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trinh sát kể về hành trình đầy hiểm nguy khi truy bắt đối tượng cướp giật

Huân Cao - Anh Tú LDO | 07/03/2021 12:00

Để bắt được những tên cướp giật đường phố là cả một hành trình dài từ theo dõi đến truy đuổi, với những hiểm nguy rình rập đôi khi phải đánh đổi cả tính mạng của trinh sát hình sự.

Bắt cướp đôi khi phải đánh đổi cả tính mạng

Trong thời gian qua, tình hình cướp giật trên đường phố ở TPHCM đang là một vấn nạn và trở thành nỗi khiếp sợ của người dân mỗi khi ra phố. "Khắc tinh" đối với loại tội phạm này chính là lực lượng săn bắt cướp (Đội 3), thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM.

Trinh sát N.V.T (Đội 3) là 1 trong những trinh sát có nhiều năm tham gia trực tiếp truy bắt bọn cướp giật, đã có những chia sẻ với PV Báo Lao Động về hành trình đầy hiểm nguy của trinh sát tham gia bắt cướp.

Hiện trường vụ cướp rồi tông chết người đi đường vừa xảy ra ở TPHCM. Ảnh: NT

Theo trinh sát T, lực lượng cảnh sát hình sự là một lực lượng tiên phong về đấu tranh với vấn nạn cướp giật đường phố. Những trinh sát săn bắt cướp thuộc Đội 3 thường gắn kết với lực lượng cảnh sát hình sự các quận, huyện để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong quá trình truy bắt cướp.

"Khi chúng tôi kiểm tra một đối tượng thì các quận, huyện cũng biết được đối tượng này là như thế nào để các đơn vị tham khảo, xem có liên quan đến vụ án của mình đang thụ lý điều tra hay không. Đối với chúng tôi, đấu tranh với loại tội phạm cướp giật là phải quyết liệt. Chúng tôi cố gắng hết sức mình bằng mọi thứ, kể cả đánh đổi bằng tính mạng của mình để đấu tranh xóa các băng nhóm về loại tội phạm cướp giật này" - trinh sát T chia sẻ.

This browser does not support the video element.

Video trinh sát hình sự truy đuổi một tên cướp. Công an cung cấp

Hiện nay, đối tượng cướp giật không chỉ là băng nhóm chuyên nghiệp, mà còn là những đối tượng cá nhân đi riêng lẻ 1 mình hoặc 2 người. Tuy nhiên, để bắt được quả tang tại trận hành vi cướp giật của những đối tượng này là cả một hành trình từ theo dõi, lần theo dấu vết của từng đối tượng trên từng con phố, khi phát hiện bọn chúng ra tay cướp giật là lập tức truy đuổi. Những đối tượng này sau khi cướp giật được đồ của nạn nhân là lập tức tăng ga bỏ chạy. Nếu phát hiện có lực lượng trinh sát đặc nhiệm đang truy đuổi theo, bọn chúng càng manh động hơn, chạy nhanh hơn nhằm "cắt đuôi" được trinh sát.

Tên cướp Đặng Văn Hảo (30 tuổi, quê Bạc Liêu) - đối tượng trong clip - cướp dây chuyền của một phụ nữ và bị truy đuổi, tóm gọn. Ảnh: Công an cung cấp

"Những đối tượng cướp giật khi phát hiện có người truy đuổi theo thì rất liều lĩnh, dùng mọi cách để đánh trả, cản trở sự truy đuổi nhằm tẩu thoát. Bọn chúng dùng cả hung khí để tấn công trinh sát gây thương tích cho anh em. Ngoài ra, các trinh sát trực tiếp bắt cướp còn gặp thêm rủi ro về tai nạn nghề nghiệp khi truy đuổi vì phải chạy xe với tốc độ cao" - trinh sát T nói.

Chạy thêm xe ôm công nghệ

Trinh sát T chia sẻ thêm thông tin, anh em trinh sát trong Đội 3 hầu như không có ngày nghỉ, luôn cắm trại 100% quân số. Đối với chỉ huy Đội 3 (Đội trưởng và Đội phó) thì gần như ở suốt tại cơ quan không có ngày nghỉ, kể cả Ban chỉ huy Phòng PC02 cũng suốt ngày phải ứng trực chỉ đạo, thậm chí tuần tra ở ngoài đường cùng anh em trinh sát.

"Từ anh em trinh sát đến chỉ huy đội, chỉ huy phòng, trực tiếp là đồng chí thượng tá Nguyễn Duy Dũng (Phó Phòng PC02) thường xuyên tuần tra, kiểm tra các khu vực hay xảy ra tội phạm cướp giật. Anh em trinh sát phải chia nhau trên nhiều mặt trận để truy bắt cướp, nên áp lực rất lớn và gặp nhiều hiểm nguy.

Trong khi đó, lương và phụ cấp cũng như sự hỗ trợ về xăng xe, kinh phí trang bị cho phương tiện bắt cướp cho anh em vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế, có nhiều anh em sau giờ làm việc, phải chạy thêm xe ôm công nghệ để có thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học" - trinh sát T cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn