MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trồng cần sa, anh túc trái phép có thể bị xử phạt thế nào?

ĐỨC ĐÔNG LDO | 28/02/2021 17:23
Theo luật sư, việc người dân trồng cây anh túc (hay còn gọi là cây thuốc phiện) và cần sa là vi phạm pháp luật. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, nếu cố tình vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã phát hiện ra nhiều trường hợp trồng hoa anh túc và cần sa trong vườn nhà. Cụ thể, Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã phát hiện nhiều người dân trồng hàng trăm cây anh túc (cây thuốc phiện) trong vườn nhà.

Trong 2 ngày 24 - 25.2, Công an huyện Lục Ngạn tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý 5 trường hợp, thu giữ 214 cây thuốc phiện được các gia đình trồng ngay trong vườn nhà. Làm việc với cơ quan điều tra, bước đầu, nhiều người dân khai nhận do không biết là cây gì nên trồng làm... rau nuôi lợn.

Cảnh sát lập biên bản chủ vườn tại Bắc Giang. Ảnh: CA Bắc Giang

Ngay sau đó 26.2, Công an huyện Chư Sê (Gia Lai) xác định có 2 thửa đất rẫy tại thôn 6, xã Ia Blang trồng tổng cộng 230 cây cần sa. Cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường, nhổ, kiểm đếm và thu giữ, niêm phong toàn bộ số cây tại hai vị trí nói trên, tiêu hủy đối với các bầu đất chưa lên mầm còn lại. Đồng thời, xác minh, xử phạt theo quy định.

Liên quan đến việc này, luật sư Vũ Tuấn - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thậm chí có thể là tội phạm nếu người trồng cây này đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc số lượng cây anh túc từ 500 cây trở lên.

Người nào biết rõ đây là cây anh túc, cây ma túy nhưng vẫn cố tình trồng từ 500 cây trở lên hoặc dưới 500 cây nhưng đã bị xử phạt hành chính mà tiếp tục vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vườn trồng cây anh túc bị công an phát hiện ở Bắc Giang.

Luật sư cho biết, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận thức và số lượng của từng hộ gia đình trồng anh túc, xem xét người trồng đã từng bị xử phạt hành chính hay chưa để làm căn cứ xử lý phù hợp với quy định pháp luật. Bởi khi phát hiện, các trường hợp này đều thừa nhận có trồng nhưng do thiếu hiểu biết chỉ để làm rau ăn hoặc cho lợn. Hầu hết các cây thuốc phiện này đều đã cho quả.

Nếu nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng người dân cố ý thực hiện hành vi là lỗi cố ý. Trường hợp không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm nhưng trong những tình huống pháp luật bắt buộc phải nhận thức được điều đó (một người bình thường, trong hoàn cảnh đó thì hoàn toàn có thể nhận thức được điều đó) thì đó là lỗi vô ý.

"Cơ quan chức năng sẽ thu thập các tài liệu chứng để chứng minh mức độ nguy hiểm của hành vi trồng loại cây anh túc này và yếu tố lỗi của những người đã trồng loại cây này", vị luật sư cho biết.

Theo luật sư Tuấn, nếu căn cứ cho thấy những người này biết rõ đây là cây anh túc, cây thuốc phiện nhưng vẫn cố tình trồng chưa bị xử phạt hành chính và số lượng cây chưa đến 500 cây sẽ bị phạt hành chính. Lần sau còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.

Còn đối với trường hợp nào mà đã bị xử phạt hành chính, hoặc đã được giáo dục nhưng vẫn còn vi phạm thì dù dưới 500 cây cũng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật trên.

Cũng theo luật sư, mức phạt đối với trường hợp vi phạm là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức phạt cao nhất của tội danh này có thể lên đến 7 năm tù nếu số lượng từ 3.000 cây trở lên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn