MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trên đường bộ cảnh sát giao thông tăng cường kiểm soát đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy và các hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Ảnh Cục CSGT

Từ 2020, vi phạm nồng độ cồn: Xử lý nghiêm, không nương nhẹ

VƯƠNG TRẦN LDO | 28/12/2019 10:17
Kể từ năm 2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ nghiêm cấm toàn bộ hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người.

Ngày 28.12, trao đổi với phóng viên Lao Động, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, hiện Cục Cảnh sát giao thông đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các quy định liên quan tới xử phạt người tham gia giao thông có vi phạm nồng độ cồn và kế hoạch đảm bảo an trật tự an toàn giao thông dịp Tết Canh Tý.

“Việc thực hiện xử phạt các hành vi vi phạm nồng độ cồn hiện vẫn đang được xử lý vi phạm theo Nghị định 46/2016. Nghị định quy định xử phạt theo hành vi nào sẽ xử phạt theo hành vi đó. Theo đó, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia có hiệu lực, thời gian tới, có thể cơ quan chức năng sẽ phải tiến hành bổ sung vào Nghị định xử phạt”, Thượng tá Nhật nói.

 “Cùng với việc siết chặt các quy định, chế tài xử phạt liên quan đến nồng độ cồn, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc thường xuyên bố trí lực lượng kiểm tra vi phạm nồng độ cồn tại các tuyến trọng điểm, các đô thị vào các khung giờ từ 13h-15h; 20h-22h, vào các ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật... đem lại kết quả tích cực trong phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm nồng độ cồn”, Thượng tá Nhật nói.

Về xử lý vi phạm người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nhấn mạnh, phải nhận thức rằng, hành vi sử dụng bia rượu, ma túy rất nguy hiểm, nay đã được đưa vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Hiện Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông xây dựng kế hoạch triển khai, tuyên truyền để Luật và khi Nghị định ban hành đi vào cuộc sống.

 “Trong lần xây dựng sửa đổi Nghị định 46, chúng tôi đã quy định dứt khoát điều khiển phương tiện là không uống rượu bia. Và trong kế hoạch chỉ đạo của Bộ Công an cũng như Cục Cảnh sát giao thông đã chỉ đạo công an các địa phương là phải xử lý hết sức kiên quyết những trường hợp vi phạm” – Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh.

Một cán bộ đội Cảnh sát giao thông số 6 (Công an thành phố Hà Nội) cũng cho biết, với hành vi lái xe có vi phạm nồng độ cồn, cảnh sát giao thông sẽ xử lý nghiêm để giảm thiểu tai nạn giao thông do người điều khiển vi phạm. “Hành vi vi phạm liên quan tới nồng độ cồn sẽ tiếp tục xử lý nghiêm. Đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán, hành vi sử dụng rượu bia có chiều hướng gia tăng” – vị này nói.

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông, thời gian qua, lực lượng chức năng đã xử lý 182 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn; hơn 880 trường hợp sử dụng ma túy khi tham gia giao thông.

Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia sẽ chính thức có hiệu lực từ 1.1.2020, trong đó có một số điểm mới như nghiêm cấm việc điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (Điều 5 khoản 6); Cơ sở bán rượu bia niêm yết không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi (Điều 32 khoản 5);

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn