MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm (trái) và 6 đồng phạm. Ảnh: công an cung cấp

Từ vụ giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị khởi tố, bắt giam: Nhiều lỗ hổng trong mua sắm trang thiết bị y tế

minh bằng LDO | 24/04/2020 10:40

Ông Nguyễn Nhật Cảm cùng 6 đối tượng bị khởi tố, bắt giam để làm rõ sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVI D-19 đã cho thấy quy trình mua sắm trang thiết bị y tế, đặc biệt y tế chống dịch hiện nay còn nhiều lỗ hổng.

Chỉ định thầu sai Luật đấu thầu

Đối với trang thiết bị Y tế, theo quy định các hình thức lựa chọn nhà thầu gồm: Đấu thầu rộng rãi; đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; mua sắm trực tiếp; tự thực hiện.

Đối với trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch COVID-19 thì các địa phương, cơ sở y tế được phép chỉ định thầu. Điều này được quy định tại điều 22, mục 1, khoản a: “Chỉ định thầu đối với các nhà thầu được áp dụng trong trường hợp: Gói thầu cần được thực hiện để áp dụng ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để đảm bảo bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tài sản, sức khoẻ cộng đồng trên địa bàn hoặc không ảnh hưởng đến công trình liền kề ; gói thầu mua hoá chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng chống dịch trong điều kiện cấp bách”.

Trong thời điểm chống dịch COVID-19, nhu cầu về trang thiết bị y tế rất cần thiết, đặc biệt là các thiết bị Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 thì việc mua sắm được thực hiện theo cơ chế chỉ định thầu.

Tuy nhiên, thông tư 15/2019 của Bộ Y tế cũng quy định rõ về điều kiện chỉ định thầu tại điều 21: Các trường hợp chỉ định thầu thông thường và chỉ định thầu rút gọn: a) Chỉ định thầu thông thường áp dụng đối với gói thầu mua thuốc có hạn mức không quá 1 tỉ đồng theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật đấu thầu; b) Chỉ định thầu rút gọn áp dụng đối với gói thầu thuộc các trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu và Điều 79 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Về quy trình thì phải thực hiện theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP sau khi có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt. Trường hợp chỉ định thầu theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu, trừ gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước, thì thực hiện theo quy định tại Khoản 8 Điều 6 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26.10.2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu “Sau khi chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu thì trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày giao thầu, chủ đầu tư phải hoàn thiện thủ tục trình người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trong trường hợp này không bắt buộc phải thực hiện thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu”.

Theo tờ VNExpress, đại tá Nguyễn Văn Long (Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết: “Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỉ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã lên đến 7 tỉ đồng”.

Tờ này cho biết thêm, CDC Hà Nội đề xuất mua thêm một hệ thống xét nghiệm này do số lượng mẫu nghi nhiễm COVID-19 gia tăng. Realtime PCR được giới thiệu là hệ thống mở cho phép chạy được nhiều loại hóa chất khác nhau có thể xét nghiệm được nhiều loại bệnh truyền nhiễm, không riêng nCoV. Trên thị trường phần lớn máy này phải nhập từ Đức hoặc một số nước Châu Âu có giá từ 2,5 tỉ đồng tới 10 tỉ đồng, tùy công suất và cấu hình.

Với mức giá như trên, ông Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm đã vi phạm điều 22 Luật Đấu thầu cũng như các văn bản liên quan.

Cần rà soát lại toàn bộ quy trình mua sắm trang thiết bị chống dịch COVID-19

Đối với các trang thiết bị chống dịch thì không chỉ có Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR mà còn rất nhiều các trang thiết bị cần kíp khác. Câu hỏi là còn có những nơi nào, địa phương nào có khả năng câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu trang thiết bị y tế? Bởi lẽ không chỉ Hà Nội mua sắm bộ xét nghiệm mà rất nhiều địa phương đã mua sắm thiết bị này để chống dịch.

Với vụ việc tại CDC Hà Nội, trách nhiệm không chỉ thuộc về các cá nhân là lãnh đạo CDC gồm ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc, bà Nguyễn Vũ Thanh Hà - Trưởng phòng Tài chính kế toán hay Lê Xuân Tuấn - nhân viên phòng Tài chính kế toán mà còn sự thông đồng của các bên liên quan gồm lãnh đạo các Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST), Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech, Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông. Trong đó, đáng lưu ý là Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST), có trụ sở tại số 60, ngõ 177, phố Thanh Đàm (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội) mới chỉ được thành lập từ năm 2015 nhưng đã được cho là “có vai vế” và chỉ định cung cấp thiết bị y tế, máy thở cho CDC Hà Nội.

Theo kết luận của cơ quan công an, các cá nhân này đã vi phạm khoản 3 Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Trong trường hợp cả nước chống dịch COVID-19 thì hành vi thông đồng nâng khống thiết bị y tế có thể sẽ thêm hình thức tăng nặng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn