MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trường hợp khi tổ công tác yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn liên tục gọi điện “cầu cứu” trong tối 22.11. Ảnh: Hoàng Thông

"Uống vài lon ngày giỗ", nam bảo vệ ở Hải Dương bị tước giấy phép lái xe

Hoàng Thông LDO | 23/11/2023 10:37

Buổi ra quân tại TP Hải Dương về xử lý vi phạm về nồng độ cồn ghi nhận trường hợp nam bảo vệ lớn tuổi thất thần khi bị lập biên bản vì vi phạm nồng độ cồn do uống vài lon bia trong ngày giỗ bố, có lái xe gọi điện “cầu cứu”…

Tối 22.11, Công an TP.Hải Dương triển khai lực lượng thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về “Người điều khiển phương tiện trên đường vi phạm các quy định về nồng độ cồn, chất ma túy” tại đường Trường Chinh, TP.Hải Dương.

Cảnh sát giao thông (CSGT) dừng nhiều phương tiện để kiểm tra. Qua đó, CSGT phát hiện ông L.Đ.H (53 tuổi, ở TP.Hải Dương) chạy xe máy biển số 34P5-xx sử dụng rượu bia nên mời xuống xe để đo nồng độ cồn, kết quả phát hiện lái xe vi phạm ở mức 0,068 mg/lít khí thở, không có giấy phép lái xe nên lập biên bản xử lí vi phạm hành chính.

Làm việc với CSGT, ông H. cho biết mình đang làm bảo vệ cho một công ty và thừa nhận đã sử dụng rượu bia trước khi lái xe. “Hôm nay ngày giỗ bố, tôi có uống vài lon bia”, ông H. nói.

Nam bảo vệ bị xử lý vi phạm nồng độ cồn vì lái xe sau khi uống vài lon bia trong ngày giỗ bố. Ảnh: Hoàng Thông

Tổ công tác sau đó đã lập biên bản vi phạm hành chính với ông H., tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe 11 tháng, phạt 2,5 triệu đồng và niêm phong phương tiện đưa về trụ sở. Đến khoảng 22h, tổ công tác yêu cầu một người đàn ông dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn, người đàn ông này ban đầu không hợp tác, liên tục dùng điện thoại cho người thân “cầu cứu”. Thấy vậy, tổ công tác đã làm việc với tinh thần kiên quyết, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” đối với trường hợp gọi điện cho người thân.

Phải mất khoảng 10 phút thuyết phục, nam lái xe mới chấp hành thổi nồng độ cồn theo yêu cầu. Tuy nhiên, anh này sau đó không vi phạm nồng độ cồn.

Lý giải cho việc gọi điện “cầu cứu”, người đàn ông này cho hay, do không mang theo các giấy tờ liên quan, khi bị CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn thì “giật mình” tay trắng điều khiển xe máy nên kéo dài thời gian để gọi điện nhờ sự “trợ giúp”.

Cũng trong tối 22.11, tổ công tác thấy biểu hiện nghi vấn đã thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn đối với anh L.V.K (nhân viên của một ngân hàng trên địa bàn). Tại lần thổi đầu tiên thì thiết bị báo trong hơi thở của lái xe này có cồn.

Không đồng ý với kết quả vì cho rằng bản thân không uống rượu bia, tài xế yêu cầu kiểm tra lại. Vì vậy, tổ công tác tiếp tục sử dụng máy đo trên kiểm tra nhiều trường hợp khác để đảm bảo sự khách quan, công bằng. Sau đó, anh K. được kiểm tra lại nhiều lần thì thiết bị báo trong hơi thở không có nồng độ cồn.

Lý giải cho vấn đề này, Thượng úy Lê Thanh Tùng, cán bộ CSGT Công an TP.Hải Dương cho hay, trong thiết bị đo có định tính và định lượng. Có thể trong đồ ăn, thức uống có chất lên men nên trong hơi thở có nồng độ cồn. Sau khoảng 10 đến 15 phút bay hơi kiểm tra lại thì không phát hiện.

“Với trường hợp này, để đảm bảo tính khách quan, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ cho kiểm tra nhiều trường hợp khác và sau đó cho chính trường hợp này thổi lại theo đúng quy định của pháp luật”, Thượng úy Tùng cho biết thêm.

Cũng theo Thượng úy Lê Thanh Tùng, việc ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn giúp nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông và giảm thiểu các vụ tai nạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn