MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc") tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19.5. Ảnh: Thông tấn quân sự.

Út "Trọc" chiếm đoạt 725 tỉ phí cao tốc Trung Lương ra sao?

Việt Dũng LDO | 01/09/2020 06:35

Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc") sau khi trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, can thiệp vào phần mềm để điều chỉnh doanh thu, chiếm đoạt tiền.

Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố 20 bị can trong vụ án sai phạm xảy ra tại đấu thầu thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Trong đó, bị can Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc", 49 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng), Phạm Văn Diệt (48 tuổi, cựu giám đốc Công ty Đức Bình), Tô Phước Hùng (cựu kế toán Công ty Yên Khánh)… bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với cáo buộc chiếm đoạt 725 tỉ đồng.

Theo kết luận điều tra, bị can Đinh Ngọc Hệ thành lập Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Công ty CP Nước giải khát Khánh An. Năm 2011-2012, các công ty này đều kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính nhưng vẫn trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Cơ quan điều tra xác định, quá trình thu phí, mua và sử dụng phần mềm, Hệ và đồng phạm đã can thiệp vào phần mềm để điều chỉnh doanh thu nhằm chiếm đoạt số tiền 725,3 tỉ đồng.

Cụ thể, việc thu phí được quản lý bởi phần mềm iTOLL Plus. Theo hợp đồng, Tổng Công ty Cửu Long (Chủ đầu tư dự án) đã bàn giao nguyên trạng phần mềm trên cho Công ty Yên Khánh vào 0h ngày 1.12014.

Để làm giảm doanh thu, ban đầu các bị can thực hiện bằng phương pháp thủ công (nhặt vé do tài xế vứt lại để in vé mới) nhưng không hiệu quả. Bị can Hệ đã tổ chức buổi họp với chủ trương “phải giảm thu”.

Mục đích nhằm chiếm đoạt tiền thu phí, đồng thời Công ty Yên Khánh sẽ báo cáo việc thu phí thua lỗ để tiếp tục xin được gia hạn thời gian thu phí.

Theo chỉ đạo của Hệ, Tô Phước Hùng đã liên hệ giới thiệu Nguyễn Xuân Hiền – giám đốc Công ty Xuân Phi xuống chi nhánh Long An để khảo sát viết phần mềm, cài đặt, bảo trì phần mềm xâm nhập vào phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.

Đến tháng 4.2017, do chỉ tiêu cắt giảm doanh thu thu phí rất lớn nên Công ty Xuân Phi đã viết lại phần mềm thu phí nâng cấp nhằm thay đổi quãng đường, mệnh giá vé và loại phương tiện.

Đầu năm 2018, do sắp hết thời hạn thu phí nên theo chỉ đạo của Hệ, các bị can tìm cách xóa toàn bộ dữ liệu thu phí thực tế trên hệ thống máy chủ và sao lưu trong 4 ổ đĩa tại phòng làm việc của Trần Văn Miền (phó giám đốc Công ty Yên Khánh chi nhánh Long An).

Cơ quan điều tra đã khám xét khẩn cấp và thu giữ 10 server của 4 trạm thu phí thuộc chi nhánh Long An, 4 ổ đĩa tại phòng làm việc của Trần Văn Miền.

Việc trích xuất dữ liệu cho thấy, số liệu thu phí thực tế từ năm 2014-2018 là 3.266 tỉ đồng. Số doanh thu bị điều chỉnh còn là 2.541 tỉ đồng. Số tiền bị can Hệ đã chiếm hưởng là hơn 725 tỷ đồng.

Theo kết luận, từ khi lập hồ sơ, tham gia đấu giá, thanh toán tiền trúng đấu giá đến khi thu phí, báo cáo doanh thu, bị can Hệ và đồng phạm gian dối lập hồ sơ và dùng phần mềm để can thiệp vào hệ thống phần mềm của Bộ GTVT.

Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, bị can Hệ phủ nhận toàn bộ cáo buộc trên.

Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2012-2013, ông Đinh La Thăng (thời điểm đó là Bộ trưởng GTVT) đã nhiều lần liên hệ với bị can Hệ. Tuy nhiên, ông Thăng phủ nhận việc bàn bạc, giới thiệu, chỉ đạo việc tạo điều kiện cho Hệ được mua quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn