MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an xã Ia Hla động viên người dân trở về từ nước ngoài yên tâm lao động, ổn định đời sống. Ảnh: Thanh Tuấn

Vận động dân không tin lời kẻ xấu vượt biên trái phép

THANH TUẤN LDO | 22/06/2023 09:22

Để hạn chế tình trạng người dân vượt biên trái phép, tại huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, công an xã cùng già làng có uy tín bám dân, vận động người dân không tin, không nghe lời kẻ xấu dụ dỗ “việc nhẹ lương cao” để mưu sinh nơi xứ người.  

Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an xã Ia Hla, huyện Chư Pưh đã phối hợp cấp ủy, chính quyền xã triển khai nhiều biện pháp vận động người dân yên tâm sản xuất, không tin lời kẻ xấu vượt biên sang nước ngoài.  

Công an xã Ia Hla thành lập 4 tổ tại các thôn trọng điểm, có 72 thành viên tham gia gồm lực lượng công an, cán bộ xã và người uy tín nhằm thông tin tuyên truyền đến người dân. 

Tổ chức hơn 16 buổi tuyên truyền pháp luật, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thu hút gần 3.000 lượt người. Qua đó, giúp người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không mắc mưu kẻ xấu, gây ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Đầu tháng 6.2023, 4 người đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ia Hla, huyện Chư Pưh đã trở về quê hương sau những ngày tháng sống chui lủi, khổ cực tại Thái Lan. 

Thiếu tá Đoàn Văn Trọng - Trưởng Công an xã Ia Hla, Chư Pưh cho biết: “Qua nắm tình hình, những người trốn đi Thái Lan đa phần vì mục đích kinh tế, một số vì tò mò nên bị đối tượng xấu ở nước ngoài dụ dỗ, lôi kéo, chiếm đoạt tài sản.  

Hành vi vượt biên để lại rất nhiều hệ lụy cho chính bản thân, gia đình họ và địa phương. Vì để chuẩn bị tiền cho chuyến đi họ buộc phải bán các tài sản có giá trị, chuyển nhượng đất đai… nên khi trở về thì hầu như tư liệu sản xuất không còn”. 

Theo tường trình của các nạn nhân, tại xứ người, họ bị đối xử thậm tệ, bị đánh đập, bắt làm các công việc nặng nhọc như phụ hồ, cắt cỏ, tưới nước… Nhiều người bản địa còn kỳ thị, chèn ép, quỵt tiền công lao động của họ.  

Công an xã bám dân, tăng cường tuyên truyền vận động. Ảnh: Thanh Tuấn 

Một số người phải gọi điện về gia đình tại Việt Nam cầu cứu, chuyển tiền để chuộc về. Số khác không có điều kiện đành chấp nhận cảnh làm thuê mướn dài ngày trong đoạ đày, khổ cực.   

Các nạn nhân nghe lời dụ dỗ “việc nhẹ lương cao” nơi xứ người may mắn trở về nhà nhưng phần lớn đều rơi vào cảnh trắng tay, bị lừa tiền bạc, đất đai. Vừa vận động người dân yên tâm, ổn định sản xuất đời sống, chính quyền cũng thành lập các tổ vay vốn tạo điều kiện cho người dân làm lại từ đầu, phát triển kinh tế để vươn lên trong cuộc sống.  

Hiện nay, trước tình hình nhiều doanh nghiệp lớn ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đang cắt giảm nhân công, hàng nghìn người lao động sẽ trở về quê, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở ngành tăng cường kết nối, tìm kiếm cơ hội việc làm cho công nhân lao động. 

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho người lao động. Đổi mới hình thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm để thu hút được nhiều doanh nghiệp và người lao động tham gia. Chủ động kết nối, rút ngắn được thời gian người lao động đi tìm việc…

Từ ngày 2 đến ngày 10.2.2023, Công an tỉnh Gia Lai đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 5 nhóm đối tượng có hành vi lừa những người nhẹ dạ, cả tin và đưa họ xuất cảnh trái phép sang Campuchia, Thái Lan để chiếm đoạt tài sản.

Công an tỉnh Gia Lai đã điều tra, bắt giữ các đối tượng liên quan, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ đưa 19 người đồng bào dân tộc thiểu số trú tại xã 2 xã Ia Hla, Ia Le (huyện Chư Pưh) và xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa) trở về lại địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn