MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện Nhơn Trạch có số lượng công nhân lao động đông với hơn 100.000 người (ảnh minh hoạ). Ảnh: Xuân Mai

Vay tiền trên mạng xã hội: Người lao động lâm cảnh nợ chồng nợ

Xuân Mai LDO | 25/05/2022 08:15
Với mong muốn có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống sau thời gian dài dịch bệnh, nhiều người lao động “nhẹ dạ cả tin” đã mất tiền oan khi tìm kiếm việc làm thêm và vay tiền trên mạng xã hội. 

Vay không được tiền, lại còn bị mất tiền oan

Mới đây, anh P.V.T (ngụ thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) đã trình báo Công an huyện Nhơn Trạch về việc tiền của anh “bỗng dưng biến mất”. Anh T kể: “Một lần tình cờ lướt mạng tôi thấy quảng cáo về App cho vay tiền thủ tục đơn giản nên tôi tải về và đăng ký vay 60 triệu đồng. Sau đó, số điện thoại có đầu số 076 gọi đến tự xưng là nhân viên tư vấn khách hàng và kết bạn zalo với tôi, yêu cầu tôi cung cấp thông tin và chứng minh thư để làm hồ sơ. 

Trong quá trình làm hồ sơ, nhân viên này báo với tôi hồ sơ bị lỗi nên yêu cầu nộp tiền bảo lãnh. Sau 5 lần chuyển tiền vào số tài khoản mang tên “Vo Van Phuoc” và “Nguyen Thanh Bình” tại 2 ngân hàng khác nhau với tổng cộng 81 triệu đồng, tôi vẫn không nhận được số tiền cần vay...”.

Tương tự, chị T.T.T.T (ngụ xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch), hiện đang là người lao động tại một Công ty thuộc Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 - kể lại: “Lướt Facebook tôi thấy tài khoản tên “N.T” đăng cho vay tiền. Tôi nhắn tin trao đổi cách thức vay thì được yêu cầu gửi hình ảnh sổ hộ khẩu, thẻ ATM chụp 2 mặt, hình ảnh màn hình internet - banking và bắt buộc trong thẻ của tôi phải có 10% số tiền muốn vay. Khi đó, tài khoản tôi có hơn 10,8 triệu đồng và tôi cũng không nghi ngờ gì nên đã gửi tất cả thông tin mà đối tượng này yêu cầu...”.

Sau vài động tác “xác nhận thông tin”, số tiền hơn 10 triệu đồng trong tài khoản chị T “bỗng dưng biến mất”. Cùng lúc, chị bị chặn tất cả tài khoản Facebook, Zalo, số điện thoại.

“Khó truy vết” nhưng “dễ phòng bị”

Theo một đại diện Công an huyện Nhơn Trạch, các hành vi lừa đảo trên mạng đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần và thường xuyên tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn mới nhưng nhiều nạn nhân vẫn “sập bẫy”. Ngoài ra, sau khi các vụ việc lừa đảo xảy ra, nạn nhân cung cấp đầy đủ thông tin về tên, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại di động của các đối tượng liên quan... nhưng công tác điều tra vẫn gặp nhiều khó khăn do thông tin đều là giả.

Thiếu tá Đặng Quang Hùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, Công an huyện Nhơn Trạch - cho biết: Nhiều trường hợp đối tượng lừa đảo gọi đến đều biết rất rõ về thông tin cá nhân của nạn nhân, do đó người dân thường mất cảnh giác. Theo thiếu tá Hùng, các đối tượng phạm tội nắm rất rõ về “con mồi”.

Ngoài ra, nhiều hình thức chuyển tiền, cất giữ tiền trên mạng ngày càng đa dạng như sử dụng ví điện tử, internet banking... rất được người dân ưa chuộng, việc chuyển khoản quá dễ dàng cũng là nguyên nhân để nạn nhân “mất tiền” vì sự cả tin và hình thức chuyển tiền này rất khó để theo dõi dòng tiền được chuyển. 

Các đối tượng trên mạng thường hoạt động theo nhóm và có đường dây liên hệ với nhau, trong trường hợp bị phát hiện bắt giữ sẽ có phương thức tiêu hủy chứng cứ rất tinh vi. Trong khi đó, đối tượng chủ mưu, cầm đầu sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội đều rất thông thạo về công nghệ, luôn tìm cách xóa các dấu vết, việc lần tìm ra manh mối là cực kỳ khó khăn. 

Trung tá Nguyễn Đức Tuấn - Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Nhơn Trạch - khuyến cáo: “Ngoài việc người dân phải cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch ngân hàng, ví điện tử qua mạng thì không nên tiết lộ thông tin tài khoản, mã OTP và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ. Đặc biệt, người dân không nên ham lợi ích trước mắt nếu đối phương chưa chứng minh được hình thức tuyển nhân viên online, mua hàng giá rẻ, vay tiền qua mạng là hợp pháp, có căn cứ rõ ràng...”.

Chỉ tính riêng trong những tháng đầu năm 2022, tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) ghi nhận hàng chục trường hợp gửi đơn tố cáo về hành vi lừa đảo trên mạng, gây thiệt hại cho các nạn nhân hàng trăm triệu đồng. Nạn nhân chủ yếu là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, phụ nữ nội trợ cần tiền để trang trải phí sinh hoạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn