MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Đức Thọ. Ảnh: Đ.X

Vi phạm kéo dài của ông Lê Đức Thọ trước khi bị bắt tạm giam

Việt Dũng LDO | 14/12/2023 21:12

Ông Lê Đức Thọ được xác định có nhiều vi phạm kéo dài trước khi bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra vì liên quan đến sai phạm tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.

Ngày 14.12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Lê Đức Thọ - để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" liên quan đến sai phạm tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức.

Trước khi bị bắt, hồi đầu tháng 10.2023, ông Thọ khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bị cách tất cả chức vụ trong Đảng do giải trình nguồn gốc tài sản không trung thực.

Vi phạm của ông Thọ bị đánh giá "mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân".

Trước đó, trong hai ngày 16 và 17.8.2023, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 31.

Tại Kỳ họp này, UBKT Trung ương nhận thấy: Ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập;

Giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định. Vi phạm của ông đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và cá nhân ông, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo, đề nghị Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Theo tìm hiểu của Lao Động, trước khi được Bộ Chính trị điều động, phân công, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Lê Đức Thọ có một thời gian dài gắn bó với ngành ngân hàng.

Đáng chú ý, vào tháng 8.2013, khi đang là Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng, ông Lê Đức Thọ được bổ nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước.

Sau đó, từ tháng 4.2014 - 10.2018, ông Lê Đức Thọ là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc một ngân hàng và từ ngày 31.10.2018 là Chủ tịch HĐQT một ngân hàng.

Ngày 30.1.2021, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Lê Đức Thọ trúng cử Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đến chiều 3.7.2021, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, bổ nhiệm ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT một ngân hàng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Liên quan vụ án trên, trước đó nhà chức trách bắt bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và cấp phó Nguyễn Thị Như Phương với cáo buộc "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", theo khoản 3 điều 219 Bộ luật Hình sự.

Xuyên Việt Oil là một trong 37 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu (gồm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hàng không), được thành lập năm 2005, có trụ sở tại TPHCM. Thị phần của doanh nghiệp này chủ yếu tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Ngày 11.8, Xuyên Việt Oil bị Bộ trưởng Công Thương thu hồi giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu, cấp ngày 19.11.2021 và hiệu lực tới tháng 11.2026.

Trước đó, theo kết luận thanh tra năm 2022, Xuyên Việt Oil có nhiều vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, trong đó có việc chưa đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu là phải có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ, hay thương nhân nhượng quyền bán lẻ.

Việc Xuyên Việt Oil mua xăng dầu từ công ty con của mình (Công ty cổ phần Việt Oil Group Lado) bị thanh tra xác định là vi phạm Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không thực hiện xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu; chưa kiểm tra, giám sát chất lượng và hoạt động của các tổng đại lý, đại lý trong hệ thống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn