MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên toà xét xử vụ án chuyến bay giải cứu. Ảnh: H.Phương

Vì sao 17 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu không được hưởng án tù treo?

Quang Việt LDO | 09/08/2023 14:35

Chuyên gia luật đưa ra quan điểm về việc vì sao 17 người trong số 54 bị cáo liên quan trong vụ chuyến bay giải cứu bị toà tuyên từ 18 tháng tù giam đến 3 năm tù giam mà không phải án treo.

Trong số 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu, có tới 10 người được TAND Hà Nội tuyên phạt từ 15 tháng tù đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, hôm 28.7 vừa qua.

Có 17 bị cáo nhận mức án từ 18 tháng tù đến 3 năm tù giam ở các tội danh "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Trong số những bị cáo này có bị cáo Vũ Hồng Nam - cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (toà sơ thẩm tuyên phạt 30 tháng tù giam); cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng (bị toà tuyên phạt 3 năm tù); Vũ Ngọc Minh - cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola (30 tháng tù giam)...

Vì sao nhiều bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu bị tuyên án 3 năm tù giam hoặc dưới 3 năm tù giam nhưng không được hưởng án treo?

Dưới góc độ pháp lý, ngày 9.8, luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho Lao Động biết, điều kiện để người bị kết án phạt tù được hưởng án treo phải thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo sửa đổi bổ sung bởi Điểm a Khoản 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP.

Tại Điều 2, có quy định: Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau: Bị xử phạt tù không quá 3 năm.

Người bị xử phạt tù có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính...;

Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” và có đầy đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;

Đối với người bị kết án mà vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

Có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục...

Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Như vậy, để được hưởng án treo, ngoài điều kiện về mức xử phạt hình phạt tù không quá 3 năm còn có các điều kiện khác kèm theo thì mới được xem xét chuyển sang hình phạt án treo như không có tình tiết tăng nặng được quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cũng theo luật sư Nguyễn Minh Long, các chủ doanh nghiệp ở đây đều thực hiện hối lộ với giá trị rất lớn, chủ yếu là trên 1 tỉ đồng, đồng thời đưa hối lộ nhiều lần. Các bị cáo nhận hối lộ nhiều lần, với số tiền nhiều nhất, lên tới hơn 2 tỉ đồng.

Việc xem xét định khung tội phạm sẽ dựa vào số tiền đưa hối lộ, nhận hối lộ để định khung hình phạt. Vì vậy theo luật sư, việc đưa, nhận nhiều lần sẽ có thể được xem là tình tiết tăng nặng được quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

"Do đó, không thỏa mãn điều kiện được hưởng án treo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 02 nên khó có thể được chuyển từ hình phạt tù giam thành án treo", luật sư nêu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn