MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rừng phòng hộ sông Tranh bị phá trắng. Ảnh: Thanh Hải.

Vì sao 25 vụ phá rừng bị khởi tố nhưng không có bị can?

THANH HẢI LDO | 20/09/2017 20:58
Hàng trăm hécta rừng phòng hộ đầu nguồn sông Tranh, thuộc huyện Tiên Phước (Quảng Nam) vừa được phát hiện bị phá trắng. Nếu tính lũy kế, từ năm 2013 đến nay, khu vực rừng phòng hộ Tiên Phước bị mất trắng 300ha (gấp 6-7 lần diện tích vụ phá rừng An Lão - Bình Định vừa bị phát hiện). Mục đích phá rừng để lấy đất trồng cây. 25 vụ phá rừng đã bị khởi tố, nhưng không có bị can. Đặc biệt, dân tố cáo có cán bộ đứng sau những vụ phá rừng này...

Thuê dân phá rừng

Ông Trần Ngọc Sơn, một trong số 16 hộ dân được giao rừng quản lý dạng khoanh nuôi, tái sinh ở tiểu khu 556, 557, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đã chủ động kêu cứu đến báo giới vì những cánh rừng do dân canh giữ hiện đang bị tấn công. Ông Sơn và ông Dư Văn Tỵ đã dẫn chúng tôi băng rừng, lội suối ngay trong cơn giông chiều để vào tận hiện trường những khu rừng vừa bị chặt phá. Hiện trạng là ngổn ngang cây gỗ rừng tự nhiên đã bị hạ sát, đốt cháy để lấy đất trồng cây keo. Gỗ tốt hoặc những cây rừng có bán kính lớn, đã bị lâm tặc đoạn thành khúc nhỏ, tuồn xuống sông Tranh để tẩu tán bằng đường thủy, khối lượng khác được đưa lên đường HCM nhánh Đông để chở ngược lên huyện Hiệp Đức hoặc Trà My để tiêu thụ.

Ông Dư Văn Tỵ, được giao hơn 10ha rừng phòng hộ để giữ từ năm 2013 đến nay. Tuy nhiên, từ nhà vào đến rừng phải mất 4 giờ đồng hồ đi bộ, Mỗi tháng các hộ như ông chỉ tuần tra, bảo vệ rừng được 2 lần. Với diện tích hơn 400ha, 16 người chia ca trực không đủ sức để bảo vệ. Chính vì vậy, chỉ đến khi rừng bị phát trắng, đốt đen cả chục hécta thì họ mới biết, cấp báo kiểm lâm.

Chúng tôi chạm chân đến bìa những khu rừng nguyên sinh vừa bị triệt hạ, đốt cháy. Than khói còn đen ngòm. Đây là khoảnh rừng chừng 4ha ở phía sâu rừng Hố Cau, thượng nguồn Thủy điện Sông Tranh 3. Từng mảng đồi bị phát trắng, từng vạt núi đổi màu từ xanh thẫm của rừng nguyên sinh thành màu đất hoặc thay bằng rừng keo trồng mới.

Sở dĩ những vụ phá rừng ít bị phát hiện hoặc không được ngăn chặn kịp thời là vì chủ rừng ẩn danh, núp mặt, chỉ đứng thuê đồng bào dân tộc thiểu số từ huyện Bắc Trà My, hoặc dân địa phương phát lén, với quy mô nhỏ. Chiến thuật là đánh du kích. Nếu có lực lượng kiểm tra thì tẩu thoát và khai là lấn đất để canh tác.

Cán bộ phía sau những vụ phá rừng

Ông Trần Ngọc Sơn cho biết, phát được một hécta rừng cách xa nhà 4-5 giờ đi bộ không phải dễ. Dân chúng tôi tuy thiếu đất sản xuất, nhưng nếu làm manh mún như vậy cũng không thể lấy công làm lời được. Muốn làm ăn lớn, dân địa phương cũng không có tiền để thuê phát hàng chục, thậm chí cả trăm hécta rừng như thế này. Ông Sơn nói thẳng: Chỉ có cán bộ xã, huyện, thậm chí trên tỉnh mới đủ lực, đủ tiền để thuê phát rừng quy mô lớn như thế này. Hoặc họ xúi giục dân phát rừng rồi họ mua gom.

Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - thừa nhận là rừng phòng hộ ở địa phương này đã bị phát hàng trăm hécta. Tuy nhiên, tổng diện tích bị xâm hại đó diễn ra từ năm 2013 đến nay. Riêng vụ phá rừng mới nhất chỉ xấp xỉ 100ha thôi.

Điều xót xa nhất là rừng ngày càng bị phá với quy mô lớn, nhưng không ngăn chặn được. Nguyên nhân một phần do sự buông lỏng quản lý của cán bộ kiểm lâm, chính quyền cơ sở và phần khác do xử lý không nghiêm.

Từ năm 2013 - khi xảy ra phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh đến nay, địa phương đã khởi tố 25 vụ án phá rừng. Trong đó năm 2014 là 5 vụ, 2015 có 8 vụ, 2016 đến 11 vụ và từ đầu năm 2017 đến nay khởi tố 4 vụ. Đáng nói là tất cả các vụ án phá rừng chỉ khởi tố được vụ án mà không tìm ra được bị can, thủ phạm.

Chủ tịch huyện Tiên Phước Hường Văn Minh cũng thừa nhận thông tin cho rằng, có cán bộ đứng sau những vụ phá rừng này là có cơ sở. Tuy nhiên, vụ việc đang được điều tra, có những lời khai ban đầu. Ông Minh hy vọng với sự quyết liệt điều tra lần này sẽ chỉ mặt được những người đứng sau những vụ phá rừng này.

Ngày 19.9, UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai ngay chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc điều tra, làm rõ vụ phá hàng trăm hécta rừng phòng hộ tại huyện Tiên Phước. Trước đó, chiều 18.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ phá rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước.

Hàng loạt vụ phá rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh diện khoanh nuôi tái sinh thuộc thượng nguồn sông Tranh liên tiếp bị phá trắng để lấy đất sản xuất. Mặt dù thời gian gần đây, Thủ tướng liên tiếp ra lệnh đóng cửa rừng, tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ, song các vụ phá rừng liên tiếp xảy ra với quy mô lớn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng kết quả.

Sáng 19.9, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Huỳnh Tấn Đức và Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Nam Phan Tuấn đã lập tức đi lên huyện miền núi Tiên Phước, triển khai công tác điều tra vụ phá rừng theo chỉ đạo của Thủ tướng.T.H

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn