MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều đám rừng gần như bị "khai thác trắng". Ảnh: VTC

Vì sao chính quyền xã, kiểm lâm bất lực vụ phá rừng trên đỉnh Pha Đin?

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 17/07/2021 10:26

“Doanh nghiệp” ngang nghiên phá rừng phòng hộ trên đỉnh Pha Đin (tỉnh Điện Biên) bằng các phương tiện hiện đại. Chính quyền xã bất lực, lãnh đạo huyện thì chỉ phát hiện sau 1 thời gian dài. Vụ việc trên khiến dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi.

Mập mờ văn bản hướng dẫn…

Trong quá trình tìm hiểu về vụ việc nhiều hecta rừng phòng hộ ở đỉnh đèo Pha Đin thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đang bị một nhóm người (doanh nghiệp) và người dân công khai chặt phá. Chúng tôi đều được những người liên quan nhắc đến một văn bản mà theo họ hiểu là “giấy phép”.

Đó là văn bản số 2249/SNN-CCKL, ngày 17.11.2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh Điện Biên về việc “Hướng dẫn trình tự, thủ tục khai thác gỗ rừng trồng phòng hộ do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu theo kiến nghị của cử tri xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo”.

Đại diện một đơn vị đang khai thác và thu mua gỗ thông ở Tỏa Tình cho biết: “Sở NNPTNT ra một văn bản là tỉa thưa 20%, có văn bản đó đó rồi thì em mới biết, em mới làm”.

Nội dung văn bản số 2249/SNN-CCKL, ngày 17.11.2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên.

Ông Lầu A Dùa - Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình - cũng cho hay: Việc khai thác của doanh nghiệp là không đúng các quy định. Chỉ được khai thác cắt tỉa 20% nhưng trong quá trình khai thác, các doanh nghiệp và gia đình đã khai thác quá đi, không đúng với 20%. “Tôi đi kiểm tra thì họ không tỉa đâu, có cây to là họ hạ hết" - ông Dùa nói.

Trả lời về việc người dân và doanh nghiệp khai thác trái phép, ông Phạm Việt Hùng - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo - nói rằng: “Theo công văn trả lời của Sở NNPTNN, người dân đọc cũng chưa hiểu hết. Bà con đang khai thác 20% diện tích bà con được hưởng”.

Về phía chính quyền huyện, bà Phạm Thị Tuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo - cho biết: “Huyện không nhận được văn bản này mà Sở NNPTNT gửi trực tiếp về xã Tỏa Tình nên huyện không nắm được”.

Như vậy, sau khi chính quyền xã, huyện chuyển đơn thư xin khai thác rừng của người dân lên tỉnh thì thay vì trả lời cho khai thác hay không cho khai thác, ngày 17.11.2020, Sở NNPTNT lại ban hành văn bản số 2249/SNN-CCKL về việc "Hướng dẫn trình tự, thủ tục khai thác...".

Có lẽ vì vậy mà sau khi nhờ doanh nghiệp "lo thủ tục", người dân đã yên tâm "nhờ" luôn doanh nghiệp khai thác gỗ và bán luôn cho họ. Doanh nghiệp thì ngang nhiên đưa máy móc vào san ủi, chặt hạ những cánh rừng đang xanh tốt.

Những điều khó lý giải!

Việc khai thác rừng thông trái phép tại đây đã bắt đầu diễn ra từ tháng 4.2021. Thế nhưng đến ngày 28.5, đoàn công tác của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Phòng CSMT), Công an tỉnh Điện Biên đi kiểm tra mới phát hiện sai phạm.

Chiều 12.7, nhiều phương tiện cơ giới vẫn ngang nhiên hoạt động.

Tại buổi làm việc với UBND xã Tỏa Tình, Phòng CSMT yêu cầu xã xác minh việc có hay không anh Trần Duy Tuấn (đơn vị khai thác) mang phương tiện vào san ủi đất để xử lý theo quy định; Tạm dừng việc khai thác gỗ rừng trồng phòng hộ đến khi có quyết định của cơ quan chức năng.

Sau đó, UBND xã ngày 29.5 (biên bản ghi thành 10.5) đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với mức phạt 3,5 triệu đồng về hành vi “Hủy hoại đất” đối với ông Trần Duy Tuấn. Đồng thời, ban hành quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm là 1 máy hiệu HITACHI – DX140W, xuất sứ Nhật Bản.

Thế nhưng, cũng ngay trong ngày 29.5, UBND xã lại ban hành quyết định trả lại tang vật, phương tiện vi phạm với lý do: Đã chấp hành xử phạt vi phạm hành chính.

Ông Lầu A Dùa thừa nhận: Phòng Cảnh sát môi trường đã yêu cầu dừng khai thác, nhưng việc khai thác vẫn diễn ra. “Tôi cũng hiểu được trách nhiệm trong quản lý Nhà nước, tuy nhiên, doanh nghiệp nói họ đã xin ý kiến cấp trên nên tôi không biết nói gì thêm...”.

Chúng tôi đã đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo - để làm rõ một số nội dung liên quan. Tuy nhiên, người làm việc với phóng viên lại là bà Phạm Thị Tuyên - người mới đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo - cách đây chưa lâu.

Bà Phạm Thị Tuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo - trao đổi với phóng viên về việc phá rừng phòng hộ trên đỉnh Pha Đin.

Trả lời về tình trạng khai thác rừng phòng hộ trái phép đang diễn ra tại xã Tỏa Tình, bà Tuyên cho hay: “Hôm 12.7, lãnh đạo huyện và các phòng ban chuyên môn đi kiểm tra tình hình sản xuất, quản lý bảo vệ rừng thì mới phát hiện ra do xã báo cáo lại. Còn trước đó, huyện chưa phát hiện ra do chính quyền xã và kiểm lâm không báo cáo”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn