MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao Hà Nội chọn Nhật Cường khi số hóa dịch vụ công

Cường Ngô - Nguyễn Hà LDO | 04/12/2019 10:31
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, khó khăn trong quá trình xây dựng hệ thống dịch vụ công cho thành phố là không doanh nghiệp nào muốn làm vì sẽ phải lọ mọ vào phường, xã, gặp cán bộ, tìm hiểu quy trình thì mới số hóa được các dịch vụ.

Ngày 3.12, phát biểu trong phiên thảo luận tổ kỳ họp 11 HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, đại biểu Đỗ Thùy Dương (quận Cầu Giấy) cho rằng, thành phố nên xây dựng mạng lưới giao thông thông minh có chức năng cảnh báo cho người dân biết đường tắc.

Trả lời vấn đề trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hệ thống giao thông thông minh, nếu hoàn thành sẽ có chức năng cảnh báo cho người dân về đoạn ùn tắc, nhưng thực tế thành phố mới xây dựng được bản đồ các tuyến đường ngập úng.

Theo ông Chung, Hà Nội đang phấn đấu trước tháng 6.2020 xây dựng xong trung tâm điều hành giao thông thông minh. Khi đó, sẽ cung cấp bản đồ thực về ùn tắc giao thông cho người dân trên điện thoại di động.

Chủ tịch Chung phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: N.C

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng chia sẻ, khi bắt đầu xây dựng chương trình mục tiêu công nghệ thông tin, thành phố đã mời tất cả các tập đoàn, công ty lớn cùng tham gia. Cụ thể, những tập đoàn lớn như Viettel đồng ý xây dựng trung tâm, FPT đăng ký nghiên cứu giao thông thông minh, CMC nghiên cứu bản đồ số về đất đai.

“Còn Công ty Nhật Cường là xây dựng các dịch vụ công. Đây là nội dung khó nhất vì phải lọ mọ vào trong từ phường, xã, gặp cán bộ để hiểu về quy trình công tác thì mới số hóa được các nội dung, dịch vụ. Những việc này chẳng ai nhận làm”, ông Chung nói.

Liên quan các phần mềm do Nhật Cường cung cấp cho thành phố Hà Nội, trước đó, trả lời Báo Lao Động bên hành lang Kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, các phần mềm do Nhật Cường cung cấp như dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, phần mềm đăng ký doanh nghiệp, phần mềm đăng ký kinh doanh qua mạng... vẫn hoạt động bình thường.

"Thành phố phải bố trí người để quản trị những phần mềm này, còn việc kết luận của cơ quan điều tra theo pháp luật thì họ sẽ làm", Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội nói.

Sẽ tăng mức thu phí xử lý nước thải

Tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Hoàng Huy Được (tổ Ba Vì) cho biết, theo thông báo, từ nay đến năm 2020, tỉ lệ các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung từ 95-100%. Song, câu chuyện đặt ra với thủ đô, hiện nay vẫn còn tình trạng nước thải xả trực tiếp ra môi trường, trong khi Hà Nội đang nỗ lực cải tạo sông, ao, hồ, đảm bảo môi trường trong sạch.

Bên cạnh đó, việc chưa di dời các cơ sở gây ô nhiễm trong nội đô cũng là một trong những nguyên nhân khiến "lá phổi" của thành phố chưa được xanh - sạch - đẹp.

Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để hạn chế việc xả thải, vừa qua, thành phố Hà Nội đã đề xuất tăng mức thu phí xử lý nước thải. 

"Hà Nội đã có phí thu gom rác thải và nước thải với mức phí 6.000 đồng, nhưng mức thu phí này chỉ đáp ứng được 15-18% so với kinh phí thành phố đang chi trả. Tham khảo một số quốc gia trên thế giới, thấy rằng việc xử lý một tấn rác thải theo công nghệ đốt phát điện tốn 100 USD, thì tiền thu gom vận chuyển cũng mất 100 USD.

Do đó, ở Việt Nam rất khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải vì vấn đề khó thu hồi vốn. Cho nên, thành phố đã đề xuất, theo lộ trình sẽ tăng mức thu phí xử lý nước thải", ông Chung cho hay.

Về vấn đề cải tạo lòng sông, ao hồ, đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp, ông Chung cho biết, thời gian qua có nhiều đơn vị đầu tư vào việc này, trong đó có Công ty Môi trường Nhật Bản đã thử nghiệm làm sạch nước ở Hồ Tây, sông Tô Lịch. Và hiện tại, Hà Nội cũng đã cho thử nghiệm công nghệ xử lý nước của Nhật Bản ở một hồ nước đọng. 

Việc chuyển dịch các cơ sở gây ô nhiễm ra ngoại thành Hà Nội, theo ông Chung, đây là vấn đề hết sức khó khăn; và thành phố cũng chưa nhận được cơ sở bàn giao nào của các bộ ngành.

"Vấn đề di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm ra ngoài nội đô - điều này về mặt lý thuyết là đúng, nhưng thực tiễn rất khó thực hiện về thiếu nguồn lực, cho nên cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng và khoa học", ông Chung cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn