MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu Giám đốc CDC Bắc Giang - Lâm Văn Tuấn, bị can trong đại án Việt Á. Ảnh: Bộ Công an

Vì sao miễn xử lý các cá nhân Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Giang ở đại án Việt Á?

Việt Dũng LDO | 12/10/2023 16:15

Ngoài sai phạm của nhóm cựu cán bộ CDC Bắc Giang, trong đại án Việt Á, cơ quan công tố xác định nhiều cá nhân liên quan tại Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính...

Trong đại án Việt Á, bị can Lâm Văn Tuấn - cựu Giám đốc CDC Bắc Giang cùng cấp dưới Nguỵ Thị Hậu - cựu Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo cơ quan công tố, từ ngày 12.3.2020 đến ngày 8.4.2020, Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã thống nhất với Đặng Thanh Minh - nguyên Giám đốc CDC Bắc Giang và bà Phạm Thị Duyên liên hệ trực tiếp với Việt Á, ứng kit test để sử dụng trước, sau đó hợp thức hồ sơ, thanh toán hơn 1 tỉ đồng.

Đến tháng 4.2020, Phan Huy Văn - Giám đốc Công ty Phan Anh thống nhất với Đặng Thanh Minh, Phan Quốc Việt để doanh nghiệp của bị can được Việt Á uỷ quyền cung cấp kit test cho CDC Bắc Giang.

Theo đó, từ tháng 4.2020 đến tháng 11.2020, Đặng Thanh Minh đã chỉ đạo Phạm Thị Duyên liên hệ Công ty Phan Anh ứng trước kit test Việt Á, thông đồng với các công ty thẩm định giá để phát hành Chứng thư thẩm định giá để hợp thức hồ sơ, thanh toán 2 hợp đồng trị giá hơn 7,6 tỉ đồng.

Sau đó, tháng 11.2020, bị can Lâm Văn Tuấn được bổ nhiệm thay Đặng Thanh Minh (lúc này về hưu) tiếp tục thống nhất với Phan Huy Văn được ứng trước kit test. Bị can Tuấn đã chỉ đạo nhân viên Nguỵ Thị Hậu hợp thức hồ sơ, thanh toán 8 gói thầu, trị giá hơn 142 tỉ đồng cho Công ty Phan Anh.

Việc bán kit test cho CDC Bắc Giang qua Công ty Phan Anh, Phan Quốc Việt đã thống nhất chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho đơn vị y tế này.

Cụ thể, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo Vũ Đình Hiệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và các nhân viên tính toán phần trăm ngoài hợp đồng rồi chuyển gần 45 tỉ đồng lại quả cho Công ty Phan Anh.

Sau đó, Phan Thị Khánh Vân - chị gái của Phan Huy Văn đã đưa cho bị can Tuấn 5 tỉ đồng để "cảm ơn" (đưa 2 sổ tiết kiệm).

Cơ quan công tố xác định, sai phạm của các bị can đã khiến Nhà nước bị thiệt hại qua 11 hợp đồng là hơn 105 tỉ đồng. Trong đó, bị can Lâm Văn Tuấn được xác định gây thiệt hại hơn 99 tỉ đồng thông qua 8 hợp đồng mua bán kit test của Việt Á.

Ngoài các bị can trên, Viện Kiểm sát cũng nêu lý do việc không xử lý nhiều cá nhân liên quan trong đại án Việt Á.

Cụ thể, theo cơ quan công tố, một số cá nhân tại Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đã ký một số quyết định cấp kinh phí, giao dự toán, Kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Song Viện Kiểm sát cho rằng, những người này không tác động, can thiệp đến CDC Bắc Giang trong việc mua kit test của Công ty Việt Á. Mặt khác, họ không thông đồng làm lợi cho Việt Á cũng như không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

"Một số cá nhân đã bị xử lý kỷ luật về Đảng nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an không xem xét xử lý là có căn cứ", cáo trạng nêu.

Đối với ông Đặng Thanh Minh - nguyên Giám đốc CDC Bắc Giang đã có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu đối với 3 hợp đồng mua kit test và các thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế của Công ty Việt Á, Công ty Phan Anh.

Tuy nhiên, ông Minh không có động cơ vụ lợi, cá nhân, không được hưởng lợi, chủ động khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án. Vì thế Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phân hoá, miễn trách nhiệm hình sự nhưng kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng, chính quyền là có căn cứ.

Thời điểm vụ án nâng giá kit xét nghiệm COVID-19 bị khởi tố, trả lời trên báo chí, Lâm Văn Tuấn khẳng định: "Không nhận một đồng nào từ Công ty Việt Á hay Công ty Phan Anh. Còn quá trình đấu thầu thì thực hiện theo quy định, thuê đơn vị tư vấn".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn