MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ứng dụng VNeID tích hợp nhiều tiện ích. Ảnh: C06

Vì sao người dân gặp khó khi chưa sử dụng được tiện ích tích hợp vào CCCD?

Quang Việt LDO | 29/01/2023 20:43

Dữ liệu chưa liên thông là một trong những lý do khiến người dân gặp khó khi dùng căn cước công dân gắn chip đã tích hợp một số tiện ích, để giao dịch hành chính.

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho biết, theo quy trình, khi người dân cung cấp thông tin để tích hợp giấy tờ, thông tin này phải được gửi sang đơn vị chủ quản để xác thực.

Sau khi có kết quả xác thực mới hiển thị lên tài khoản định danh trên ứng dụng VNeID.

Hiện nay đã có 5,5/6,8 triệu thông tin bảo hiểm xã hội, 2,6/5,3 triệu thông tin giấy phép lái xe xác thực thành công và hiển thị lên trên ứng dụng, các trường hợp khác xác thực không hợp lệ nên không đưa thông tin lên ứng dụng.

Thời gian tới, C06 sẽ điều chỉnh theo hướng các thông tin người dân cung cấp sẽ hiển thị lên ứng dụng với trạng thái là chưa xác thực hoặc xác thực thành công để người dân biết được trạng thái thông tin của mình.

Trong căn cước công dân gắn chip có chứa các thông tin quan trọng về nhân thân của mỗi công dân như Mã định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân cũ, họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quê quán, địa chỉ thường trú, dấu vân tay, võng mạc, hình ảnh, đặc điểm nhận dạng, ..

Thẻ căn cước công dân gắn chíp có thể tích hợp thêm nhiều thông tin về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, giáo dục, y tế, ...

Căn cước công dân gắn chip cũng được tích hợp thông tin về người phụ thuộc đi cùng với người có thẻ căn cước công dân như con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự,...

Ngoài những giấy tờ tích hợp trên thì thẻ căn cước công dân gắn chíp còn có thể xác thực điện tử với các ứng dụng công nghệ khác như ví điện tử, chứng khoán, thanh toán không dùng tiền mặt, thậm chí là thẻ ngân hàng...

Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an cũng đang triển khai kết hợp với các cơ quan có liên quan, nghiên cứu để tích hợp thêm các loại giấy tờ khác lên thẻ căn cước công dân gắn chip với mục đích là hiệu quả, tiết kiệm cho cả cá nhân làm thẻ và cả Nhà nước.

Từ ngày 1.1.2023, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy chính thức "khai tử", ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đặc biệt là đối với lĩnh vực tư pháp, tài nguyên và môi trường.

Thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID... là một trong những phương thức để người dân giao dịch các thủ tục hành chính, dịch vụ công, thay thế cho sổ hộ khẩu giấy.

Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải chung sức, đồng lòng, liên thông, đồng bộ dữ liệu, phục vụ hiệu quả xây dựng công dân số, xã hội số, Chính phủ số, phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 12.2022, hệ thống đã xác thực trên 71,2 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ gần 62,3 triệu lượt thông tin Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, còn một số bộ ngành đã liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn