MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyên Thứ trưởng Công thương - Hồ Thị Kim Thoa. Ảnh: TQ.

Vì sao nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị truy nã đỏ?

Việt Dũng LDO | 03/12/2020 13:13

Ngày 4.9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc với bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương. Sau đó, Interpol cũng đã truy nã đỏ đối với bà Thoa.

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối 2.12, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, ngày 4.9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc với bà Hồ Thị Kim Thoa.

Sau đó, Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế - Interpol cũng đã truy nã đỏ đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa.

Bà Thoa bị cáo buộc có những sai phạm trong việc để lô đất "vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng, TPHCM rơi vào tay tư nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2.700 tỉ đồng.

Vì sao có việc truy nã toàn quốc, truy nã đỏ?

Dưới góc độ pháp lý, ông Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, khi có đủ căn cứ xác định bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu mà trước đó Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam mà không bắt được; Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn; hoặc Người bị kết án tử hình bỏ trốn thì Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định truy nã.

Khi Cơ quan điều tra xác định một đối tượng đủ điều kiện truy nã theo quy định pháp luật thì sẽ ban hành Lệnh truy nã và gửi đến: Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã; Công an cấp tỉnh nơi người bị truy nã có khả năng lẩn trốn hoặc gửi đến tất cả Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Cục Cảnh sát truy nã tội phạm Bộ Công an; Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an cấp tỉnh (nơi ra quyết định truy nã); Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ (nơi đăng ký hồ sơ nghiệp vụ); -VKSND có yêu cầu ra quyết định truy nã...

Đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt giữ đối tượng bị truy nã.

Trong khi đó, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế - Interpol. Do bà Hồ Thị Kim Thoa không có mặt tại Việt Nam, nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an gửi yêu cầu về một lệnh truy nã đỏ bằng cách cung cấp thông tin về vụ việc thông qua văn phòng hay trung tâm Interpol ở quốc gia đó.

Theo ông Long, truy nã đỏ không phải là lệnh bắt giữ quốc tế của Interpol. Truy nã đỏ chỉ đơn giản là thông báo cho các quốc gia thành viên rằng một người bị truy nã dựa trên một lệnh bắt giữ hoặc một quyết định tư pháp tương đương được ban hành bởi một quốc gia hay một tòa án quốc tế.

Sau đó lệnh truy nã được Tổng thư ký Interpol xem xét, kiểm tra và chuyển cho các chuyên gia luật pháp của Interpol thẩm định (trong vòng một tuần) trước khi ký duyệt xuất bản và chính thức có hiệu lực tại lãnh thổ các quốc gia thành viên của Interpol.

Tổng thư ký Interpol ban hành theo yêu cầu của các quốc gia thành viên hoặc một tòa án quốc tế dựa trên một lệnh bắt giữ quốc gia hợp lệ.

Cuối cùng, lệnh truy nã đỏ sẽ được thông báo tới cảnh sát trên toàn thế giới.

Thủ tục dẫn độ đối tượng bị truy nã thế nào?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu bị can ở nước ngoài thì có thể dẫn độ về Việt Nam, căn cứ vào pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

Việc dẫn độ sẽ được thực hiện theo Điều ước quốc tế đa phương có quy định về dẫn độ mà Việt Nam và quốc gia bắt giữ bị can cùng là thành viên hoặc Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và quốc gia đó (nếu có), pháp luật của quốc gia đó và pháp luật Việt Nam.

Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

Theo Luật Tương trợ tư pháp Việt Nam 2007, để yêu cầu dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam phải lập hồ sơ yêu cầu dẫn độ gửi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Hồ sơ yêu cầu dẫn độ phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dẫn độ và các tài liệu liên quan kèm theo theo Điều 36, 37 Luật Tương trợ tư pháp Việt Nam 2007.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn