MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP. Biên Hòa kiểm tra số tang vật thu giữ của các đối tượng “tín dụng đen”. Ảnh: Công an cung cấp

Vì sao tội phạm “tín dụng đen” từ các tỉnh phía Bắc gia tăng tại Đồng Nai?

MINH CHÂU LDO | 05/01/2020 12:40

Tiếp tục thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, Công an tỉnh Đồng Nai dưới sự chỉ đạo của đại tá Vũ Hồng Văn - tân giám đốc Công an tỉnh - đã liên tiếp triệt phá nhiều băng nhóm tín dụng đen từ các tỉnh phía Bắc vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cho vay với lãi suất “cắt cổ”.

Cho vay với lãi suất hơn 50%/tháng

Chỉ trong vài ngày đầu năm mới 2020, Công an Đồng Nai đã liên tiếp triệt phá nhiều nhóm hoạt động tín dụng đen từ miền Bắc vào tỉnh Đồng Nai hoạt động, cho vay với lãi suất lên tới 50%/tháng. Thực hiện phương châm  đấu tranh với các tội phạm tín dụng đen từ trong “trứng nước”, công an tỉnh Đồng Nai đã đồng loạt kiểm tra các điểm nhà trọ, nhà cho thuê - nơi các đối tượng cho vay nặng lãi ẩn náu.

Mới nhất ngày 3.1, Công an tỉnh Đồng Nai thông tin vừa kiểm tra hai căn hộ ở chung cư Sơn An, (khu phố 3, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) đã phát hiện 6 đối tượng có hộ khẩu thường trú ở miền Bắc (4 đối tượng ở Thái Bình, 1 đối tượng ở Hà Nội, 1 đối tượng ở Hà Nam) mới vào TP.Biên Hòa thuê căn hộ chung cư này khoảng 2 tháng hoạt động tín dụng đen. Qua công tác đấu tranh, các đối tượng thừa nhận cho 35 người vay với lãi suất hơn 50%/tháng. 

Các đối tượng trên có thủ đoạn cho vay rất tinh vi, không ghi giấy nợ, không thế chấp, không nêu rõ lãi suất, không lưu giữ, ghi chép sổ sách thể hiện việc cho vay; mà chỉ cần xác định người vay có nhà ở cụ thể. Hiện cơ quan Công an đang tạm giữ hình sự 3 đối tượng để tiếp tục điều tra, làm rõ; các đối tượng còn lại đã được gia đình bảo lãnh.

Trước đó, ngày 1.1.2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.Biên Hòa cũng đã bắt giữ nhóm 11 đối tượng do Nguyễn Việt Thắng (28 tuổi, trú tại TP.Hà Nội) cầm đầu chuyên hoạt động “tín dụng đen” từ các tỉnh phía bắc vào Đồng Nai thuê nhà hoạt động. Ngoài Thắng, 10 đối tượng còn lại trong nhóm bị bắt thì đa phần đều quê tại các tỉnh phía Bắc (TP.Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Giang, Tuyên Quang, Nghệ An). Các đối tượng này thuê nhà trọ để hoạt động, khi bị kiểm tra và bắt giữ, các đối tượng thừa nhận cho vay với lãi suất khoảng 25%/tháng. Với thủ đoạn trên, từ 1.7 đến 30.12.2019, nhóm đối tượng đã thu lợi bất chính hơn 1,2 tỉ đồng.

Trước đó, ngày 21.12.2019, công an cũng đã bắt đối tượng Đặng Quang Toàn (38 tuổi, biệt danh Toàn đen, quê TP.Hải Phòng) cùng vợ và một số đối tượng khác cũng quê Hải Phòng bất ngờ xông vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Hồng Phước (TP.Biên Hòa), uy hiếp rồi khống chế bác sĩ Nguyễn Thế Thử - Giám đốc bệnh viện này, đòi nợ số tiền nợ hơn 500 triệu đồng (ông Thử vay nợ vợ chồng Toàn đen số tiền 500 triệu đồng với lãi suất rất cao, tiền phạt chậm trả ngoài lãi là 25 triệu đồng/ngày).

Vì sao tín dụng đen vẫn còn đất sống?

Những đối tượng bị cơ quan công an bắt giữ, khởi tố liên quan đến hoạt động tín dụng đen gần đây đều là những băng nhóm giang hồ cộm cán từ các tỉnh phía Bắc vào tỉnh Đồng Nai hoạt động cho vay với lãi suất “cắt cổ”, trong đó nổi lên là các băng nhóm Hải Phòng, TP.Hà Nội.

Theo cán bộ điều tra, dù đã nhiều cảnh báo về những hệ lụy từ hoạt động tín dụng đen, nhưng do dễ dàng vay và xuất phát từ nhu cầu của nhiều người dân mà hoạt động tín dụng đen với nhiều thủ đoạn tinh vi vẫn còn đất sống. Ngoài ra, khi nạn nhân đã dính vào tín dụng đen sẽ rất khó trả nợ do lãi suất cao, các đối tượng giang hồ xăm trổ sẽ trở nên “hữu dụng”, được huy động để đi đòi nợ. Nhưng việc xử lý các đối tượng đứng sau các băng nhóm giang hồ, “rót tiền” cho vay cũng không hề dễ dàng do hoạt động ngày càng tinh vi.

Đại tá Nguyễn Văn Kim - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai - cho biết, tỉnh Đồng Nai là địa phương đặc thù dân số ở khắp mọi miền đất nước về làm ăn, sinh sống nên cơ cấu tội phạm tại Đồng Nai cũng đầy đủ tất cả các vùng miền chứ không riêng gì các tỉnh phía Bắc.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai là địa bàn phát triển về công nghiệp, lại gần cửa ngõ TP.Hồ Chí Minh, nên thu hút nhiều công nhân lao động từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung vào làm việc, dẫn đến các quan hệ về đồng hương, vùng miền nên các đối tượng tội phạm từ miền Bắc, miền Trung sẽ dựa vào những người cùng quê, cùng vùng miền để hoạt động. Riêng hoạt động cho vay tín dụng đen xuất hiện nhiều đối tượng miền Bắc, miền Trung, miền Tây, nhưng qua đánh giá các vụ việc do cơ quan điều tra xử lý thì các tội phạm ở các tỉnh phía Bắc chiếm tỉ lệ cao - đại tá Kim cho biết.

Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2019, lực lượng công an Đồng Nai đã phát hiện, xử lý 25 vụ/57 đối tượng vi phạm. Qua điều tra đã khởi tố 11 vụ/31 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 4 vụ/13 bị can về các hành vi liên quan (bắt giữ người trái pháp luật 2 vụ/8 bị can; cưỡng đoạt tài sản 1 vụ/2 bị can; hủy hoại tài sản 1 vụ/3 bị can); xử lý hành chính 7 vụ/10 đối tượng và đang tiếp tục điều tra 3 vụ/3 đối tượng cho vay nặng lãi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn