MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Viện kiểm sát cho rằng cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn có thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt

Nhóm PV LDO | 01/04/2024 15:44

TPHCM - Tại phiên tòa ngày 1.4, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM (VKS) đánh giá, bị cáo Đỗ Thị Nhàn có 2 tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để thực hiện hành vi nhận hối lộ nhằm “bưng bít” sai phạm cho SCB.

Ngày 1.4, đại diện VKS tiếp tục tranh luận với quan điểm bào chữa của các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, Trưởng Đoàn Thanh tra sai phạm SCB).

Trước đó, trong phần bào chữa cho bị cáo Hưng, luật sư cho rằng, bị cáo không phải là người chủ mưu, cầm đầu. Tranh luận với quan điểm của luật sư, đại diện VKS khẳng định, bị cáo Hưng có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Bị cáo là người ra quyết định thanh tra, là người trực tiếp chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn và có trách nhiệm báo cáo kết quả thanh tra lên NHNN và Chính phủ. Tại cơ quan điều tra, bị cáo Hưng đã khai nhận các chỉ đạo của mình đối với Đoàn Thanh tra thông qua Đỗ thị Nhàn, chỉ đạo trực tiếp các thành viên đoàn thông qua các cuộc họp. Các bị cáo trong Đoàn Thanh tra đã tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của bị cáo Hưng.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng. Ảnh: Anh Tú

Trong quá trình thanh tra tại SCB, các bị cáo cũng thừa nhận đã nhận tiền, quà và lợi ích vật chất khác của SCB để làm trái công vụ trong quá trình thanh tra, trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Hưng đã nhận nhiều lần, tổng cộng là 390.000 USD. Bị cáo Nguyễn Văn Hưng cũng tự nhận thức và thừa nhận việc nhận tiền, quà của SCB để chỉ đạo làm trái công vụ, là vi phạm quy định pháp luật.

Nhưng theo đại diện VKS, việc nhận tiền, quà, lợi ích vật chất của Hưng và các bị cáo khác trong đoàn là thụ động, không có hành vi bàn bạc với SCB. Việc số tiền, quà các bị cáo nhận phụ thuộc vào việc đánh giá chức vụ, vai trò của người đưa tiền là SCB đối với các bị cáo này.

Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng truy tố bị cáo Hưng và các bị cáo trong Đoàn Thanh tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là có căn cứ, đúng pháp luật. Trước đó, bị cáo Hưng bị VKS đề nghị mức án 14 - 15 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ".

Còn đối Đỗ Thị Nhàn, trong quá trình tranh luận, luật sư bào chữa đề nghị xem xét lại tội danh Nhận hối lộ của bị cáo. Bởi theo luật sư, cùng là hành vi nhận tiền, quà từ SCB nhưng chỉ bị cáo Nhàn bị xét xử tội Nhận hối lộ.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn. Ảnh: Anh Tú

VKS phân tích, bị cáo Nhàn là Trưởng Đoàn Thanh tra. Sau khi thanh tra, bị cáo biết rõ thực trạng SCB rất xấu, cần phải báo cáo NHNN và chuyển sai phạm cho cơ quan điều tra. Thế nhưng, bị cáo đã thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) 2 lần gặp bị cáo Trương Mỹ Lan để thỏa thuận nhằm che giấu sai phạm cho SCB. Lời khai của Văn, bị cáo Nhàn đều xác định có 4 lần đưa - nhận tiền, tổng cộng 5,2 triệu USD.

Tại phiên tòa, mặc dù, Trương Mỹ Lan không thừa nhận nhưng có đủ căn cứ xác định bị cáo Nhàn đã nhận hối lộ của bị cáo Lan thông qua bị cáo Văn để “bưng bít” sai phạm cho SCB.

Từ các lập luận trên, đại diện VKS khẳng định, hành vi làm trái công vụ của bị cáo Nhàn chỉ là phương thức, thủ đoạn để thực hiện mục đích nhận hối lộ của bị cáo. Bị cáo Nhàn là người có nghiệp vụ cao trong lĩnh vực ngân hàng, trong công tác thanh tra giám sát ngân hàng và đã sử dụng nghiệp vụ ấy để che giấu sai phạm tại SCB. Động cơ, mục đích phạm tội của Đỗ Thị Nhàn khác với Nguyễn Văn Hưng và các bị cáo còn lại trong Đoàn Thanh tra. Vì vậy, VKS áp dụng 2 tình tiết tăng nặng đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn là phạm tội nhiều lần, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để thực hiện hành vi là có căn cứ. Trước đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị VKS đề nghị phạt tù chung thân về tội "Nhận hối lộ".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn