MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Viện Kiểm sát đánh giá Trương Mỹ Lan ngoan cố, không dám chịu trách nhiệm

Nhóm PV LDO | 01/04/2024 12:54

TPHCM - Tại phiên tòa ngày 1.4, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM (VKS) đánh giá có đầy đủ cơ sở xác định bị cáo Trương Mỹ Lan nắm quyền điều hành của Ngân hàng SCB, chỉ đạo điều hành cấp dưới để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB.

Ngày 1.4, Tòa án Nhân dân TPHCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức khác. Tại tòa, đại diện cơ quan công tố đối đáp lại quan điểm tranh luận của luật sư bào chữa, các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ trong đại án Vạn Thịnh Phát.

Trương Mỹ Lan ngoan cố, không dám chịu trách nhiệm

Theo VKS, những ngày qua, phần lớn bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, song trong phần bào chữa, một số luật sư trong phần tranh luận chưa thật sự nghiêm túc, luận cứ đưa ra không bám sát diễn biến của phiên tòa làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo. Một số luật sư sử dụng từ ngữ mang tính nhận định thiếu căn cứ phần đánh giá của VKS.

Đại diện VKS tranh luận về lời bào chữa của luật sư và bị cáo. Ảnh: Anh Tú

Tranh luận về hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan, đại diện VKS nhận định, dựa vào quan điểm của bị cáo và luật sư cho rằng bị cáo Lan không có chức vụ quyền hạn tại SCB, không phải chủ thể của tội tham ô tài sản, chỉ có HĐQT Ngân hàng SCB mới có quyền quyết định… là chưa phù hợp với các quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Các Tổ chức tín dụng, không phù hợp với các chứng cứ trong hồ sơ và kết quả thẩm tra tại tòa.

Quá trình điều tra đã xác định rõ hành vi thâu tóm, sở hữu, chi phối hơn 91% cổ phần tại SCB. Lời khai và bản kê theo dõi tình hình biến động cổ đông của Tạ Chiêu Trung (cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), bao gồm cả số cổ phần của 5 pháp nhân nước ngoài, lời khai của những người đứng tên cổ phần, lời khai của nhân viên Công ty Việt Vĩnh Phú, lời khai các cựu lãnh đạo SCB … đã thể hiện rõ vấn đề này.

Đại diện VKS lập luận, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đại hội đồng cổ đông là có quyền quyết định lớn nhất, HĐQT chỉ là cơ quan quản lý công ty do đại hội đồng cổ đông bầu ra. Việc Trương Mỹ Lan sở hữu, chi phối hơn 91% cổ phần SCB đã cho thấy sự chi phối ngân hàng này của bị cáo, từ đó chỉ ra quan điểm của các luật sư là chưa phù hợp.

Thực tế khách quan cũng chỉ ra việc bị cáo Trương Mỹ Lan đã bố trí người thân vào làm lãnh đạo chủ chốt của SCB. Dù bị cáo không thừa nhận nhưng khi trả lời về quá trình hoạt động của SCB thì bị cáo nhớ rất rõ từng bị cáo làm lãnh đạo ở SCB thời gian nào, ai nghỉ việc hay luân chuyển công tác đều báo cáo bị cáo.

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Anh Tú

Đại diện VKS khẳng định, qua nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án thì khẳng định Trương Mỹ Lan không cho SCB mượn tài sản mà dùng thủ đoạn đưa tài sản vào để tạo lập khoản vay mới, lấy tiền thực hiện các nghĩa vụ tài chính trước khi hợp nhất 3 ngân hàng thành SCB. Lời khai của các bị cáo có chức vụ quyền hạn trong SCB và một số bị cáo khác đã nói rất rõ nội dung này.

Với việc thành lập công ty “ma”, VKS cho rằng bị cáo chỉ đạo thành lập hàng nghìn công ty không có hoạt động thật, đứng tên khoản vay, sử dụng để các bị cáo giải quỹ, che giấu cắt đứt dòng tiền. Luật sư của bị cáo nói công ty “ma” không liên quan bị cáo Lan là lập luận không có căn cứ. VKS phân tích rằng bị cáo Lan thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không dám chịu trách nhiệm, điều này thể hiện sự ngoan cố của bị cáo.

Viện Kiểm sát xác định thiệt hại khoảng 677.000 tỉ đồng

Kết quả điều tra xác định thiệt hại do hành vi bị cáo Trương Mỹ Lan gây ra là khoảng 677.000 tỉ đồng, phù hợp với hệ thống hạch toán trên hệ thống phần mềm SCB, lời khai các bị cáo khác, đơn vị kiểm toán độc lập…

Trong phiên tòa, một số luật sư cho rằng cần trưng cầu định giá tài sản trong tố tụng hình sự để xác định thiệt hại vụ án. Theo VKS, trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng biện pháp định giá mà áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ khác để định giá tài sản. Kết quả điều tra đã xác định thiệt hại là khoảng 677.000 tỉ đồng là phù hợp với hồ sơ tín dụng, hồ sơ sổ sách SCB, phù hợp với lời khai và kết quả kiểm toán độc lập.

Đại diện VKS cho biết thêm, cơ quan tố tụng đã áp dụng tổng dư nợ trừ đi giá trị các tài sản đảm bảo là đã áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo. Đề nghị HĐXX xem xét quan điểm nêu trên của VKS.

Ngoài ra, trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan đã lợi dụng SCB để không phải trả lãi và gốc. Đến nay, SCB phải sử dụng những khoản vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước để trả cho người dân, SCB phải gánh chịu những khoản nợ đặc biệt và trả lãi cho Ngân hàng Nhà nước nên xác định các khoản lãi, phí là thiệt hại của SCB là hợp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn