MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu. Ảnh: Việt Hùng

Viện Kiểm sát đề nghị giảm mức án cho một số bị cáo vụ chuyến bay giải cứu

Việt Dũng LDO | 21/07/2023 16:37

Hà Nội - Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội cho rằng, các bị cáo nhận tiền để cấp phép cho các chuyến bay giải cứu là lỗi cố ý, kiếm tiền trong sự khó khăn, cùng cực của người dân.

Sáng 21.7, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Hà Nội đã có buổi đối đáp với quan điểm bào chữa của luật sư, tự bào chữa của các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu.

Đối với quan điểm của một số luật sư và bị cáo cho rằng, hành vi đưa nhận tiền của các bị cáo không có sự hứa hẹn, thỏa thuận, đòi hỏi mà đưa nhận tiền là tự nguyện cảm ơn, Viện Kiểm sát (VKS) khẳng định, các bị cáo nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn, được giao nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ đó.

Các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của người đưa hối lộ - đại diện các doanh nghiệp.

Nhận tiền của họ là để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong thời gian dịch COVID-19, theo yêu cầu của người đưa tiền.

VKS khẳng định, hành vi đưa nhận tiền của các bị cáo diễn ra trong một thời gian dài, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến tháng 1.2022. Đây là giai đoạn Chính phủ có văn bản tạm thời dừng cấp phép các chuyến bay thương mại.

Do dịch COVID-19 nên các doanh nghiệp phải làm thủ tục xin cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Trước đó, phần lớn các bị cáo đưa, nhận hối hộ đều không quen biết nhau, hay góp vốn kinh doanh gì, không thể có những món quà cảm ơn có giá trị rất lớn, bất thường, lên tới tiền tỉ như vậy nếu như không làm một việc gì đó theo yêu cầu của người đưa tiền.

Việc hứa hẹn giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ là ngầm định, mặc định, được xác định là cơ chế trong lời khai của các cá nhân đại diện doanh nghiệp và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

Các bị cáo đưa, nhận hối lộ đều là những người có đủ năng lực, trách nhiệm hình sự, có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình.

Biết rõ hành vi đưa, nhận hối lộ là vi phạm pháp luật, bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vì mong muốn đạt được mục đích của mình nên đã thực hiện hành vi phạm tội, đây là cố ý chứ không phải vô ý.

Hành vi của các bị cáo nhận hối lộ đã gián tiếp buộc cho doanh nghiệp đưa hối lộ phải nâng giá vé máy bay và các chi phí khác để bù đắp vào khoản “bôi trơn” của doanh nghiệp.

Người chịu thiệt thòi là những công dân Việt Nam ở nước ngoài, đang gặp rất nhiều khó khăn trong dịch COVID-19 bùng phát và mong muốn được về nước.

Trong khi Đảng, Nhà nước quyết liệt chỉ đạo các cơ quan tìm mọi cách để đưa công dân về nước với phương châm “không bỏ ai lại phía sau”, thì các bị cáo lại có hành động trục lợi; tạo ra cơ chế xin cho, tạo ra liên minh lợi ích để kiếm tiền trong sự khó khăn, cùng cực của người dân.

Cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội được đề nghị lại mức án và trả lại tiền, vàng. Ảnh: Quang Việt

Ngoài ra, trong phần đối đáp, VKS cho hay, qua xem xét các tài liệu, chứng cứ cùng lời khai tại phiên tòa, đã đề nghị HĐXX giảm nhẹ mức án so với lần đề nghị đầu tiên (ngày 17.7) cho một số bị cáo.

Cụ thể, trong nhóm tội “Nhận hối lộ”, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Chử Xuân Dũng từ 3 - 4 năm tù (giảm 1 năm), Trần Văn Tân - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam mức án 7-8 năm (giảm 1 năm); Trần Văn Dự - cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an từ 8 - 9 năm (giảm 1 năm), Vũ Hồng Nam - cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản từ 3 - 4 năm (giảm 1 năm).

Ở nhóm tội “Đưa hối lộ”, VKS đề nghị xử phạt Vũ Thùy Dương từ 2 - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo (trước đề nghị tù giam), Phạm Bá Sơn từ 18 – 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (trước đề nghị án giam), Tào Đức Hiệp 18 - 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (trước án tù giam).

Ở nhóm tội “Môi giới hối lộ”, VKS đề nghị xử phạt Trần Quốc Tuấn từ 2- 3 năm tù nhưng cho hưởng treo (trước đề nghị tù giam); Nguyễn Anh Tuấn - cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã khắc phục toàn bộ hậu quả nên VKS đề nghị xử phạt từ 5 - 6 năm tù (giảm 1 năm) đồng thời trả lại cho bị cáo Tuấn 210.000 USD, vàng và hủy bỏ lệnh phong tỏa tài khoản số tiền 1 tỉ đồng tại SHB.

Đối với tội “Đưa hối lộ”, VKS cho biết, bị cáo Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, số tiền 800.000 USD dùng vào việc chạy án nên không có căn cứ để trả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn