MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các luật sư bào chữa cho bà Lê Thị Dung trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: Hải Đăng

Viện Kiểm sát đề nghị hủy án sơ thẩm đối với bà Lê Thị Dung

QUANG ĐẠI LDO | 13/06/2023 10:36

Tại phiên xét xử sáng 13.6, đại diện Viện KSND tỉnh Nghệ An đã trình bày quan điểm về xét xử vụ án bị cáo Lê Thị Dung, đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Theo vị đại diện Viện Kiểm sát, có nhiều nội dung cấp tòa sơ thẩm chưa làm rõ, đặc biệt liên quan đến kết luận giám định, do đó cần phải hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Tranh luận lại với đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Nguyễn Thị Hương – nguyên kế toán Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên vẫn khẳng định bị cáo Lê Thị Dung có sai phạm, đã thực hiện thanh toán trùng một số nghiệp vụ tài chính.

Đồng thời, bị cáo Hương rút lại lời khai ngày hôm qua: “Hôm qua, tôi có nói tôi chịu trách nhiệm chính về các khoản thanh toán, hôm nay tôi rút lại nội dung đó bởi vì bị cáo Dung là thủ trưởng, trong hồ sơ kê khai của các cán bộ giáo viên không có chữ ký của tôi”, bị cáo Hương nói.

Tuy nhiên, về quan điểm đề nghị hủy án sơ thẩm, bị cáo Hương không có ý kiến và cho rằng đó là quyền của hội đồng xét xử.

Trình bày phần bào chữa cho bị cáo Lê Thị Dung, luật sư Vũ Quang Ninh cho rằng, bản án sơ thẩm đã quy kết cho bị cáo Dung không gửi quy chế chi tiêu nội bộ về Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An là không đúng, bởi vì Sở Giáo dục và Đào tạo không quản lý đơn vị Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên về mặt tài chính. Thực tế, cơ quan quản lý về tài chính đối với trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện là UBND cấp huyện.

Luật sư Vũ Quang Ninh cũng đưa ra các lập luận để chứng minh các khoản thanh toán hỗ trợ bí thư chi bộ 3 tiết/tuần và chế độ hỗ trợ người đi học cao học của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên và một số khoản chi khác không phải là thanh toán trùng, không phải thanh toán 2 lần.

Luật sư Vũ Quang Ninh cũng cho rằng, tòa cấp sơ thẩm đã đánh đồng một số khái niệm để buộc tội bị cáo Lê Thị Dung, và phản ứng về việc bị cáo Nguyễn Thị Hương “muốn trở thành công tố thứ 2” để buộc tội bị cáo Lê Thị Dung.

Luật sư cũng không đồng tình với việc kết luận giám định cho rằng Quyết định 01/2007 về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên lại dẫn chiếu, điều chỉnh đối với Thông tư 28/2009 ban hành sau đó 2 năm.

“Đây là điều trái pháp luật, không được phép” – luật sư Vũ Quang Ninh nói.

Luật sư Vũ Quang Ninh cho rằng, bị cáo Lê Thị Dung bị oan do không có động cơ phạm tội và hành vi phạm tội, không có bị hại và không gây thiệt hại.

Từ đó, luật sư đề nghị hội đồng xét xử xem xét minh oan cho thân chủ của ông, một nhà giáo, nhà quản lý có nhiều thành tích, được bạn bè, đồng nghiệp, học sinh yêu quý, kính trọng.

Kết thúc phần bào chữa, luật sư Ninh đề nghị hủy án sơ thẩm, đình chỉ vụ án và trả tự do cho bị cáo Lê Thị Dung.

Luật sư Hoàng Thị Phương (Công ty Luật Vũ Anh – Quảng Ninh) cho rằng, nội dung giám định tư pháp không đúng thẩm quyền, cấp sơ thẩm áp dụng không đúng pháp luật dẫn đến oan sai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn