MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bị cáo tại phiên toà đại án Việt Á. Ảnh: H.Nguyên

Viện Kiểm sát: Không thể xem xét Việt Á có công chống dịch

Việt Dũng LDO | 09/01/2024 20:06

Trong nhiều nội dung đối đáp với quan điểm bào chữa của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội (VKS) khẳng định, Việt Á tham gia phòng chống dịch là để thu lời bất chính nên không thể xem xét có công chống dịch.

Kết thúc phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo trong đại án Việt Á, đại diện VKS đã đưa quan điểm đối đáp nhiều nội dung nổi bật.

Công tố viên khẳng định, đây là vụ án mà ngay từ đầu, VKS đã làm rõ được bức tranh toàn cảnh Công ty Việt Á từ quá trình tham gia sản xuất, xin cấp phép lưu hành cho kit test, sản xuất thương mại cho đến giai đoạn đấu thầu để đưa test đến các địa phương.

Bức tranh toàn cảnh vụ Việt Á cũng được thể hiện qua vai trò, hành vi của 38 bị cáo trong vụ án. Có bị cáo phạm tội xuyên suốt, có bị cáo chỉ là một mắt xích trong chuỗi sai phạm.

Quá trình tố tụng, VKS đã đánh giá rất thận trọng toàn bộ hành vi của các bị cáo, bởi vụ Việt Á xảy ra tại 60/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, VKS kết luận hành vi sai phạm của 38 bị cáo liên quan 19 địa phương.

Công là công, tội là tội

Về quan điểm của luật sư cho rằng mức án đề nghị quá cao đối với một số bị cáo, VKS đối đáp trong vụ án này, cơ quan công tố truy tố 38 bị cáo về 5 nhóm tội danh. Trong đó, tội nhận hối lộ có khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình.

Đến khi luận tội, VKS đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho nhiều bị cáo, qua đó đề nghị mức án dưới khung cho một số bị cáo, có người còn bị đề nghị mức hình phạt chưa đến 18 tháng tù.

"Chúng tôi đã đánh giá công là công, tội là tội", đại diện VKS nêu.

Đề cập ý kiến tranh luận xung quanh “công trạng” của Công ty Việt Á, đại diện VKS cho rằng Phan Quốc Việt và các bị cáo tại công ty này đã có chuỗi hành vi sai phạm trong thời kỳ dịch. Qua đó, Việt và đồng phạm thu lời bất chính hơn 1.200 tỉ đồng.

Sau đó, Việt Á đã sử dụng một phần trong khoản tiền thu lời không chính đáng để mang đi hối lộ cho các cựu quan chức, cựu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương.

“Đây là tiền của Nhà nước, của nhân dân nên không thể nói rằng Việt Á đã có công trong phòng chống dịch”, đại diện VKS nêu.

Đại diện Viện Kiểm sát vụ Việt Á. Ảnh: H.Phương

Giá kit test là hơn 143.000 đồng, "cành đào Tết" 50.000 USD

Tại phiên toà, luật sư cho rằng xác định giá phải có trưng cầu, định giá. Về điều này, đại diện VKS khẳng định, cơ quan điều tra đã xác định 6 yếu tố hình thành giá chứ không phải "vô cớ".

Việc chứng minh giá kit test thực hiện trên 6 nguồn, trong đó có việc thực nghiệm tại chính Công ty Việt Á gồm các công đoạn liên quan đến sản xuất, để xác định yếu tố cấu thành giá là hơn 143.000 USD/kit test (tính cả thuế).

Cũng trong phần đối đáp, nam kiểm sát viên nêu lại một phần sai phạm của bị cáo Phạm Công Tạc - cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khi giúp Việt Á đánh bóng tên tuổi bằng việc tổ chức họp báo thông báo về kit test...

VKS cho rằng có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Phạm Công Tạc nhận 50.000 USD từ ông chủ Việt Á, chứ không phải 100.000 triệu đồng như luật sư bào chữa và bị cáo này khai.

Theo VKS, Việt chưa đưa cho bị cáo cựu cán bộ nào bằng tiền Việt Nam mà đều bằng đồng đô la Mỹ. Cùng với những lời khai khác, cơ quan công tố xác định "cành đào Tết" cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận là 50.000 USD.

Ông chủ Việt Á không phải là người có công chống dịch

Theo VKS, thiệt hại toàn bộ vụ án là 1.235 tỉ đồng trong đó, 402 tỉ đồng thiệt hại cho Ngân sách nhà nước về kit test Việt Á, 29 tỉ đồng là thiệt hại về test tách chiết ở Bình Dương. Phần còn lại hơn 800 tỉ đồng là khoản thu lời bất chính của Công ty Việt Á.

Bên chịu thiệt hại là 2 nhóm: Các cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác. Trong đó, những thiệt hại ở nhóm các cơ quan Nhà nước vẫn đang tiếp tục điều tra, xử lý.

Tiếp tục đối đáp với các luật sư, bị cáo, vị đại diện VKS thứ hai nhấn mạnh nhóm bị cáo ở bộ ngành đã thông đồng cấu kết với các bị cáo khác, liên lạc, hỗ trợ, tác động cơ quan, cá nhân khác giúp Việt Á có được giấy phép, sản xuất, bán được kit test.

Việt Á, Phan Quốc Việt tham gia phòng chống dịch là để thu lời bất chính nên không thể xem xét có công chống dịch như các luật sư đề nghị” - đại diện VKS nói.

Đại diện VKS cũng cho biết đã cân nhắc về tình tiết tăng nặng “lợi dụng dịch bệnh”, cuối cùng cơ quan công tố đã không đề nghị HĐXX áp dụng tình tiết này, thể hiện sự nhân văn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn