MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa phiên giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải. Ảnh: Tuấn Việt.

Viện KSND Tối cao đề nghị thực nghiệm lại hiện trường vụ tử tù Hồ Duy Hải

Việt Dũng - Tuấn Việt LDO | 07/05/2020 18:00
Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao đề nghị cần thực nghiệm lại hiện trường để xác định thời gian, thời điểm Hồ Duy Hải có mặt tại bưu điện buổi tối xảy ra án mạng. 

Đối đáp về thời gian Hồ Duy Hải xuất hiện ở bưu điện

Đề nghị trên được VKSND Tối cao đưa ra trong ngày 7.5, phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình hai tội Giết người và Cướp tài sản liên quan đến án mạng hai nữ nhân viên tại Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).

Trong bản án kháng nghị, VKSND Tối cao nêu, tại kết luận điều tra, nhân chứng Đinh Vũ Thường đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện về Cà Mau lúc 19h39 ngày 13.1.2008, có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong bưu điện.

Tuy nhiên, trong kết luận điều tra, vào lúc 19h13,  Hồ Duy Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ để làm thủ tục cầm đồ rồi quay về nhà dì ruột...

Theo VKS, tính toán quãng đường và thời gian, Hải không thể có mặt tại Bưu điện lúc 19h39.

Tại phiên giám đốc thẩm, đại diện Hội đồng Thẩm phán đọc lại nguyên văn bút lục 20 ngày 31.3.2008 về lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường.

Theo đó, tối 13.1.2008, Thường đưa bạn gái đi làm, chạy xe đến Bưu điện Cầu Voi. Khi Thường vào, ngay cửa bên trong có một người nữ ngồi ngoài ghế salon, một thanh niên ngồi giữa trên ghế salon đang cúi đầu bấm cái gì đó, có ánh đèn màu sáng hiện lên. Anh Thường đoán là đang bấm điện thoại.

Người thanh niên để tóc 2 mái, khi cúi xuống tóc phủ lên mí mắt, không cắt cao như đầu đinh, không để dài quá tai. Thanh niên mặc áo thun ngắn, tay màu sáng đen hoặc xanh đen, có cổ áo hay không thì không xác định...

Cũng trong lời khai, anh Thường xác nhận nam thanh niên ngồi ghế salon chỉ nhìn thoáng qua không nhớ mặt, Thường không thể nhận dạng qua khuôn mặt được.

Đại diện Hội đồng thẩm phán đã đặt ra vấn đề: Cơ sở nào Tòa vẫn tiến hành xét xử vụ án khi không triệu tập nhân chứng Thường? Việc vắng mặt Thường tại phiên tòa có ảnh hưởng đến kết quả xét xử không? Vấn đề này, Luật sư Trần Hồng Phong đã nêu lên và nhấn mạnh là rất quan trọng.

Đại diện Tòa sơ thẩm lý giải, khi thẩm tra vụ án có lấy lời khai nhân chứng Thường. Nhân chứng này có khai phù hợp với lời khai của Hồ Duy Hải và lời khai của các nhân chứng khác về thời gian tối hôm đó có mặt Hồ Duy Hải.

Theo đại diện Tòa sơ thẩm, Thường vắng mặt không ảnh hưởng đến việc xét xử, vì đã có lời khai trong quá trình điều tra.

Đề nghị hủy hai bản án

Đại diện VKS chất vấn: Có lời khai của nhân chứng Thường, tại sao không đưa vào hồ sơ vụ án?.

Điều tra viên của vụ án lý giải, ngày 19.1.2008, cơ quan điều tra lấy lời khai lần đầu tiên với Thường. Anh này khai là người xuất hiện tại hiện trường vào tối xảy ra vụ án.

Khi đó, cơ quan điều tra xác định làm việc với Thường với tư cách là đối tượng tình nghi trong vụ án. Quá trình làm việc đã tập trung làm rõ về thời gian có mặt, nhân thân, nhận dạng. Sau đó, cơ quan điều tra lưu hồ sơ với các đối tượng tình nghi khác.

Cơ quan điều tra có kiểm tra danh sách điện thoại của Bưu điện Cầu Voi hay không? Nếu có thì trong ngày 13.1.2008 có số điện thoại nào của Hồ Duy Hải gọi đến bưu điện hay không?, đại diện Hội đồng thẩm phán hỏi.

Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết, quá trình truy xét đã căn cứ dữ liệu bộ nhớ điện thoại của Bưu điện Cầu Voi. Theo căn cứ truy xét này, vào lúc 11h25 ngày 13.1.2008, có số điện thoại gọi vào số điện thoại bàn của bưu điện. Từ cuộc điện thoại này, điều tra viên truy ra ai là người sử dụng số điện thoại này, từ đó xác minh được số điện thoại của Hồ Duy Hải.

Tổng kết lại vấn đề này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, đại diện VKSND Tối cao còn băn khoăn về việc tính toán xem thời gian đó Hồ Duy Hải có mặt hay không có mặt ở hiện trường; căn cứ thời gian các hoạt động của Hải tối hôm đó thì chưa hợp lý.

"Nhưng sự có mặt của Hải không chỉ chứng minh bằng thời gian, mà theo cơ quan điều tra giải trình, còn bằng những chứng cứ khác. Chúng ta phải tổng hợp chứng cứ, mới chứng minh được vấn đề này", Chủ tọa Nguyễn Hòa Bình nói.

Tuy nhiên, ngay sau đó, đại diện VKSND Tối cao có ý kiến phản hồi. Theo đó, đại diện VKS nhận thấy, kết luận về thời gian của Hồ Duy Hải có mặt ở bưu điện đều từ những chứng cứ gián tiếp.

Từ đó, VKS đề nghị cần có thực nghiệm lại hiện trường, cả thời gian Hải có mặt ở tiệm cầm đồ, đi trả xe,... rồi từ đó đến bưu điện.

VKS cũng cho rằng, hai cấp xét xử có sai lầm nghiêm trọng trong đánh giá động cơ, mục đích. Bởi khi xét xử, Tòa án phải đánh giá toàn diện những vấn đề đó; từ đó đề nghị, hai bản án đó phải hủy và xem xét lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn