MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Việt Nam và các nước ứng xử với thuốc lá mới thế nào?

ĐÔNG DU LDO | 08/03/2024 22:26

Đến nay, trong số 195 quốc gia thành viên của WHO, đã có 184 quốc gia quy định thuốc lá làm nóng dưới luật hiện hành, 79 nước quản lý thuốc lá điện tử. Số ít còn lại cấm hoặc buông lỏng quản lý. Cơ chế quản lý 2 sản phẩm này cũng có sự khác biệt giữa các nước tùy theo tình hình nước sở tại.

Theo WHO, thuốc lá làm nóng (TLLN) và thuốc lá điện tử (TLĐT) đều sử dụng thiết bị điện tử, nhưng khác nhau ở thành phần nguyên liệu. TLLN dùng nguyên liệu lá thuốc lá tự nhiên. TLĐT dùng dung dịch tinh dầu với khoảng 15.500 loại hương liệu, gồm nhiều loại hương liệu có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vì có thành phần khác nhau nên TLLN và TLĐT cũng được áp dụng các chính sách kiểm soát khác nhau trên toàn cầu.

Thuốc lá điện tử: Một số nước chọn hướng cấm

Hiện có 3 hướng phổ biến để quản lý TLĐT gồm: Cấm hoàn toàn TLĐT; Bán như dược phẩm do bác sĩ kê đơn; và cho phép như tất cả mọi loại thuốc lá.

Trong đó, hướng thứ nhất được một số nước áp dụng, cụ thể là 42 quốc gia, vùng lãnh thổ như Argentina, Brunei, Ấn Độ, Mexico, Thái Lan… với các quy định cấm mua bán, sản xuất, nhập khẩu TLĐT.

Hướng thứ hai - bán như dược phẩm kê đơn - được một số nước như Úc, Nhật Bản... áp dụng. Từ khi Nhật Bản định nghĩa TLĐT là dược phẩm, đến nay vẫn chưa có sản phẩm TLĐT chứa nicotine nào được Bộ Y tế nước này phê duyệt, vì tiêu chí xét duyệt khắt khe. Riêng TLĐT không chứa nicotine lại được sử dụng tự do vì nằm ngoài phạm vi của luật dược.

Hướng thứ ba, được 47 quốc gia lựa chọn, đó là cho phép bán TLĐT như thuốc lá thông thường, đi kèm các điều kiện hạn chế tiêu dùng: quy định nồng độ nicotine tối đa ở mức thấp, in cảnh báo sức khỏe bằng chữ, cấm một số hình thức quảng cáo, cấm bán hàng qua internet.

Tại Việt Nam, từ năm 2015-2020, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở 34 tỉnh, thành phố đã tăng gấp 18 lần. Trước con số đáng báo động trên, Bộ Y tế hiện vẫn giữ nguyên đề xuất cấm hoàn toàn TLĐT, bao gồm các sản phẩm thuốc lá mới khác.

Ảnh: CMH.

Thuốc lá làm nóng: Nhiều nước chọn quản lý bằng luật hiện hành

Khác với TLĐT, TLLN do có nguyên liệu là thuốc lá nên phù hợp để quản lý dưới luật hiện hành đang áp dụng cho thuốc lá điếu. Đây là khuyến nghị của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) thuộc WHO, tại Hội nghị Các bên lần thứ 8 (COP 8), đã được 184 quốc gia thành viên áp dụng.

Tháng 7.2022, Philippines đã ban hành bổ sung Đạo luật Cộng hòa số 11900, quy định việc nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, đóng gói, phân phối, sử dụng và truyền thông TLLN.

Còn tại Nhật Bản, TLLN được cập nhật vào Đạo luật kinh doanh Thuốc lá năm 1984, với các điều luật khác biệt so với thuốc lá điếu, như mức thuế suất thấp hơn, quy định dán nhãn cảnh báo sức khỏe ít nghiêm ngặt hơn và giảm bớt khu vực cấm sử dụng.

Năm 2018, Canada cũng sửa đổi "Đạo luật quản lý thuốc lá" (TA) năm 1997 thành "Đạo luật quản lý các sản phẩm thuốc lá và thuốc lá mới" (TVPA). Theo định nghĩa của Luật, TLLN được xem là “sản phẩm thuốc lá” bởi có chứa nguyên liệu thuốc lá.

Việt Nam hiện tại vẫn chưa đưa ra chính sách cụ thể nào để quản lý thuốc lá mới. Hiện đề xuất mới nhất của Cục Công Nghiệp (Bộ Công Thương) - cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách - là cần quản lý riêng biệt TLLN và TLĐT dưới định nghĩa của luật hiện hành.

Đề xuất mới nhất trên website Cục Công Nghiệp, Ảnh: VIA

Tại tọa đàm "Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng" ngày 19.10.2023, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp, tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cập nhật thêm: Nếu có sản phẩm thuốc lá mới nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa định nghĩa thuốc lá mới đó vào Nghị định 67 sửa đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn