MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai. Ảnh: Hoàng Thọ

Vợ bị cáo Nguyễn Thái Luyện tìm nhà đầu tư mới để bồi thường gần 2.400 tỉ đồng

Anh Tú LDO | 12/05/2023 14:54

Ngày 12.5, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba. Tại phiên tòa, bị cáo Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện) cho biết chỉ khắc phục được hậu quả tội rửa tiền với số tiền 12 tỉ đồng, còn về khắc phục hậu quả số tiền 2.400 tỉ tội lừa đảo bị cáo cho biết đang tìm nhà đầu tư khác khắc phục thay.

Tại phiên tòa, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện) tiếp tục khẳng định hiện tại bị cáo chỉ khắc phục được tội "rửa tiền" với số tiền 12 tỉ đồng mà ông Lê Viết An - nhà đầu tư với vợ chồng Luyện đã đồng ý khắc phục thay vào phiên tòa hôm 11.5. Còn về số tiền gần 2.400 tỉ đồng tội "lừa đảo" bị cáo Mai cho biết, mình không có khả năng khắc phục hậu quả.

"Tội "lừa đảo" thì toàn bộ tài sản cá nhân của bị cáo đều đã bị cơ quan tố tụng thu hồi, không còn khả năng khắc phục. Sau khi ông An xin rút ý định thay các bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại gần 2.400 tỉ đồng trong vụ án thì hiện tại, bị cáo chưa tìm được nhà đầu tư khác khắc phục thay nhưng bị cáo sẽ cố gắng", bị cáo Mai trình bày.

Trước đó, tại phiên tòa ngày 11.5, bị cáo Mai thừa nhận hành vi phạm tội của mình đối với cả hai tội lừa đảo và rửa tiền giống như bản án sơ thẩm và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Liên quan việc ông Lê Viết An (người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) muốn thay vợ chồng bị cáo khắc phục gần 2.400 tỉ đồng thiệt hại, Mai cho biết, ông này vừa là bạn bè thân thiết vừa là nhà đầu tư.

Để đứng ra khắc phục toàn bộ thiệt hại, ông An ra điều kiện là "tòa phải giải tỏa kê biên, công nhận việc giao đất" cho ông. Tuy nhiên, HĐXX đã phân tích thỏa thuận giữa vợ chồng bị cáo và ông An là giao dịch dân sự nằm ngoài thẩm quyền và phạm vi của tòa, không thể đưa vào giải quyết trong cùng vụ án.

"Sau khi được tòa mời làm việc và giải thích, ông An cảm thấy bỏ ra số tiền lớn mà rủi ro cao nên đã rút đề nghị khắc phục thiệt hại thay", bị cáo Mai nói.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thái Luyện là người chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ quá trình hoạt động của Công ty CP Địa ốc Alibaba và 22 pháp nhân trực thuộc đứng tên chủ đầu tư của 58 “dự án ma”.

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày kí và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết, mà được công ty chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Toàn bộ dự án dân cư được tự vẽ trái phép mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng.

Do đó, đây không được xem là hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lừa 4.500 người với số tiền chiếm đoạt gần 2.400 tỉ đồng.

Xét xử sơ thẩm hồi 12.2022, HĐXX tuyên phạt Luyện mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Võ Thị Thanh Mai nhận 20 năm tù về cùng tội danh, 12 năm tù về tội Rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn). Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực (em ruột Luyện) bị phạt  tương ứng 17 và 27 năm tù; các bị cáo khác nhận từ 3 năm tù treo đến 19 năm tù.

HĐXX buộc vợ chồng Luyện liên đới bồi thường toàn bộ số tiền gần 2.400 tỉ đồng cho các bị hại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn