MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân Núi Thành, Quảng Nam lo lắng sẽ mất hết vốn liếng, tiền bạc tiết kiệm khi chủ hụi thông báo vỡ hụi. Ảnh: Hoàng Bin

Vỡ hụi tiền tỉ vì tin nhau, thỏa thuận miệng

Hoàng Bin LDO | 18/04/2023 06:44

Biêu, hụi là giao dịch dân sự được pháp luật quy định cụ thể, nhưng thực tế, người chơi chủ yếu dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau, giao dịch tiền tỉ chỉ với các thỏa thuận miệng, thiếu chặt chẽ. Đây là điểm chung trong loạt vụ vỡ hụi tại Quảng Nam vừa qua.

Vỡ hụi hàng loạt

Đầu tháng 4.2023, cơ quan chức năng Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (51 tuổi) ở huyện Duy Xuyên vừa bị về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, sau nhiều tháng bỏ trốn. Từ tháng 6.2021 đến tháng 9.2022, bằng thủ đoạn gian dối, bà Linh (chủ hụi) đã chiếm đoạt hơn 30 tỉ đồng của 96 người chơi.

Vụ việc chưa ráo mực thì tại huyện Núi Thành tiếp tục xảy ra vỡ hụi tiền tỉ. Có ít nhất 30 người dân đã khởi kiện bà T.T.Kim (35 tuổi, người địa phương) huy động tiền hụi hơn 8 tỉ đồng nhưng đột ngột thông báo mất khả năng chi trả. Bị đòi tiền thì bà Kim viết giấy nợ, hứa trả nhưng nhiều lần thất hứa.

Trong năm 2022, Công an tỉnh Quảng Nam đã điều tra, xử lí 34 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn, trong đó có 9 vụ liên quan đến biêu, hụi với giá trị lên đến trăm tỉ đồng. Người góp ít cũng khoảng vài chục triệu, người nhiều lên đến 1-2 tỉ đồng, còn người vài trăm triệu thì rất nhiều. Khi vỡ hụi, gần như người chơi không thể thu hồi hoặc chỉ thu hồi được một phần nhỏ số vốn đã góp.

Theo cơ quan chức năng, điểm chung ở những vụ vỡ hụi là khi góp tiền, người chơi hầu như không ghi giấy tờ giao dịch gì, chỉ dựa vào sự tin tưởng với chủ hụi.

Chủ hụi thì dùng mánh khóe phô trương vật chất khiến những người chơi cứ tưởng họ là người giàu có. Lúc đầu, chủ hụi thường chung chi sòng phẳng, lãi cao để kích thích lòng tham của người chơi hụi. Thực chất là lấy tiền của người trước trả cho người tham gia sau. Đến khi các con hụi tham gia chơi nhiều thì chủ hụi vơ vét thật nhiều tiền rồi bỏ trốn.

Hệ lụy những vụ vỡ hụi để lại khiến nhiều gia đình lâm vào khốn đốn, bức xúc tột độ.

Ông T.P.H, nạn nhân trong đường dây hụi của bà T.T.Kim xót xa cho biết, hàng trăm người dân địa phương đã dốc hết số tiền tiết kiệm, tiền dưỡng già, tiền chữa bệnh, có người còn giấu chồng, con "cắm" sổ đỏ vay tiền ngân hàng, huy động người thân để nộp tiền hụi. Từ khi xảy ra vỡ hụi, cuộc sống bà con bị đảo lộn, gia đình lục đục, ly dị…
Công an Quảng Nam bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (chủ hụi tại Duy Xuyên) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ảnh: Hoàng Bin 

Tỉnh táo khi chơi hụi

Là nạn nhân trong đường dây hụi của bà Nguyễn Thị Mỹ Linh với số tiền hơn 500 triệu đồng, bà T.T.B (huyện Duy Xuyên) bức xúc nói, bà Linh có hành vi lập ra các hụi viên ảo để hốt hụi. Khi có người chơi khác muốn hốt hụi thì bà Linh thông báo đã có thành viên khác bỏ lãi cao hơn và hốt trước. Do có toan tính từ trước nên ghi thu tiền hụi, bà Linh cũng không ghi giấy tờ biên lai gì. Dù vụ việc đã khởi tố nhưng đến nay, nhiều người chơi vẫn chưa nhận lại được tiền.

Theo Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015: "Họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật".

Thực tế, nhiều nơi, việc chơi hụi đã bị biến tướng, nhiều chủ hụi thấy việc huy động tiền quá dễ nên nảy lòng tham chiếm đoạt, chi tiêu hoang phí dẫn đến vỡ hụi. Trong khi đó, nhiều người dân vì tin tưởng chủ hụi, khi giao tiền, tài sản có giá trị lớn mà không có bất kì giấy tờ nào để chứng thực. Vì vậy, việc xét xử dân sự và thi hành án liên quan đến hụi thường gặp nhiều khó khăn. 

Như vụ việc của bà T.T.Kim nói trên, bà Kim cầm cái nhiều dây hụi cùng lúc, rồi thông báo vỡ hụi, thực chất là chiếm dụng vốn nhưng cơ quan điều tra không thể truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự vì chủ hụi và hụi viên chỉ thỏa thuận bằng miệng, khi xảy ra bể hụi lại không có giấy tờ, biên lai chứng minh, trong khi chủ hụi không bỏ trốn và luôn hứa sẽ trả nợ.

Sau khi Báo Lao Động phản ánh tình trạng vỡ hụi, bạn đọc Trần Thị Kim Liên (TP Hồ Chí Minh) bình luận: “Tại địa phương tôi xảy ra 3 vụ vỡ hụi, chủ hụi cũng viết giấy nợ, hứa trả nhưng vì thiếu thông tin nên đến khi chủ hụi bỏ trốn, người chơi mới tìm đến các cơ quan chức năng thì đã hết thời hiệu khởi kiện, hoặc là không đủ bằng chứng để thụ lí giải quyết”.

Luật sư Nguyễn Thanh Tân, đoàn luật sư Quảng Nam khuyến cáo, để bảo đảm quyền lợi, người chơi hụi cần hết sức tỉnh táo, không chạy theo lãi suất cao, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và nên có văn bản thỏa thuận kèm theo chứng nhận của chính quyền địa phương để được pháp luật bảo vệ quyền lợi nếu xảy ra tranh chấp, lừa đảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn