MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Bạch Văn Vượng xót xa khi đàn trâu chết bất thường. Ảnh: Thanh Huyền

Vụ 14 con trâu chết bất thường ở Ba Vì: Chủ trâu nghi ngờ bị đầu độc

Phạm Đông - Thanh Huyền LDO | 10/07/2020 19:43
14 con trâu chết bất thường ở thôn Muồng Cháu (Vân Hoà, Ba Vì, Hà Nội) đều có hiện tượng chướng bụng, có con bị chảy máu mồm, do đó người dân nghi ngờ đàn trâu đã bị kẻ xấu đầu độc.

Là hộ bị thiệt hại nặng nề nhất trong vụ việc, bà Hoàng Thị Tưởng (sinh năm 1967, thôn Muồng Cháu) cho biết, gia đình bà bị chết 8 con trâu trên tổng số 14 con. Trong đó có đến 4 con đang có chửa, sắp sửa sinh nghé con.

Ngày 8.7, khi nghe anh Bạch Văn Vượng chạy từ trên núi về thông báo đàn trâu bị chết không rõ nguyên nhân khiến cả gia đình rất bất ngờ và xót xa.

Theo bà Tưởng, gia đình bà và 3 hộ khác có ghép thành đàn để nuôi chung đàn trâu trên núi để cùng trông nom. Do đó cứ cách một ngày, bà Tưởng phải đi bộ gần 2 giờ đồng hồ để lên núi kiểm tra đàn trâu. Khu vực hôm thả đàn trâu có tổng cộng 28 con nhưng chỉ có 14 con bị chết và chưa rõ nguyên nhân.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Người dân cung cấp

Hôm xảy ra sự việc, có rất nhiều thợ trâu đến hỏi mua, nhưng 4 gia đình đã thống nhất không bán và kí cam kết với địa phương sẽ chôn lấp, tiêu hủy trâu. Bởi mặc dù xót của nhưng do nghi ngờ trâu bị đầu độc, khi chết có biểu hiện chướng bụng, có con bị chảy máu mồm nên sẽ nhất quyết không mổ bán. 

“Tôi nghi ngờ đàn trâu chết bất thường do bị kẻ xấu đầu độc. Ngoài 8 con trâu bị chết, gia đình tôi còn bị lạc mất 1 con trâu khác đến giờ vẫn chưa tìm thấy. Do đó, sáng nay (10.7) tôi và con trai vẫn phải tiếp tục lên núi tìm kiếm” – bà Tưởng cho hay.

Cũng theo chia sẻ, dù là trụ cột trong gia đình nhưng nhiều năm nay bà Tưởng bị viêm khớp, đi lại rất khó khăn. Do đó, để đi tìm trâu trên núi là điều rất khó.

Đặc biệt, chồng bà còn mắc chứng bệnh Parkinson (bệnh do thoái hóa hệ thần kinh gây ra, bệnh biểu hiện đặc trưng bằng các cử động bị chậm chạp, cứng đờ, run và rối loạn về thăng bằng). Cứ khoảng từ 2-3 tháng, chồng bà lại phải lên Bệnh viện Bạch Mai chữa trị, lấy thuốc để ức chế bệnh. Mỗi lần thăm khám như vậy sẽ mất khoảng 5 triệu đồng.

“Tôi chăm nom cho đàn trâu chỉ để mong đợi đủ ngày, đủ tháng bán đi lấy tiền chữa trị, lo thuốc thang cho chồng. Tuy nhiên, giờ đây đàn trâu bị mất trắng như vậy thì tôi cũng không biết nên xoay xở thế nào” – bà Tưởng nghẹn ngào nói.

Số trâu chết đã bị chôn lấp, tiêu hủy theo quy định. Ảnh: Phạm Đông

Cùng bị thiệt hại trong vụ việc, ông Bạch Văn Vượng (sinh năm 1976, thôn Muồng Cháu) chia sẻ, đàn trâu nhà ông có 3 con bị chết, trong đó có 2 trâu mẹ đang có chửa và 1 con trâu trưởng thành. Trước khi xảy ra sự việc 1 ngày, đàn trâu vẫn ăn uống bình thường, khoẻ mạnh chứ không có biểu hiện gì khác. 

Với những biểu hiện bất thường khi trâu chết, ông Vượng nghi ngờ đàn trâu bị kẻ xấu đầu độc. Do đó tất cả 4 hộ dân có trâu bị chết mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân, làm rõ việc đàn trâu bị chết cả đàn. Đồng thời các hộ cũng mong muốn chính quyền địa phương giúp đỡ để vượt qua khó khăn này.

Ông Nguyễn Văn Cam - Trưởng thôn Muồng Cháu thì cho biết, khoảng 9h ngày 8.7, đàn trâu 14 con của 4 hộ dân ghép lại tại thôn Muồng Cháu nằm chết đồng loạt trên núi. Ngay sau khi nhận được thông tin của người dân ông đã báo cáo chính quyền xã và đơn vị thú y để lấy mẫu xét nghiệm. Số hộ dân trong thôn chăn nuôi gia súc chiếm hơn 40% nhưng chưa bao giờ thấy hiện tượng trâu chết hàng loạt xảy ra như thế này. 

“Các gia đình trong thôn Muồng Cháu có trâu bị chết đều sống chan hoà, vui vẻ và không mất lòng ai trong làng, xã. Do đó hiện tại rất khó xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết của đàn trâu” – ông Cam thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn