MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh một nạn nhân nghi sốc thuốc tại lễ hội âm nhạc được cư dân mạng ghi lại.

Vụ 7 người tử vong trong lễ hội âm nhạc ở Hồ Tây: Người sử dụng ma túy có phạm tội?

Cường Ngô LDO | 18/09/2018 10:59

Liên quan vụ sử dụng chất ma tuý khiến 7 người tử vong tại chương trình nhạc hội, sáng 18.9, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn LSTP Hà Nội) về việc sử dụng ma tuý trong trường hợp này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. 

Còn 5 nạn nhân đang hôn mê sâu

Thông tin từ cơ quan công an, khoảng 23h10 khuya 16.8, Công an quận Tây Hồ nhận được tin báo của Bệnh viện Tim Hà Nội về việc tiếp nhận 2 trường hợp đến cấp cứu là Hoàng Nhật Minh và Tống Xuân Bình trong tình trạng tim ngừng đập. Các bác sĩ đã cứu chữa nhưng không hiệu quả.

Ngay sau đó, Công an TP Hà Nội xác định trước khi được cấp cứu và tử vong tại bệnh viện, 2 nạn nhân trên đã tham gia Đêm nhạc hội do Công ty TNHH kết nối Á Châu tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây.

Cùng thời điểm, tại Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận cấp cứu một số trường hợp tương tự; và có thêm 5 nạn nhân đã tử vong.

Hiện Bệnh viện E còn 3 nạn nhân, Bệnh viện Bạch Mai còn 2 nạn nhân đang trong tình trạng hôn mê sâu. Bệnh viện xác định toàn bộ nạn nhân trên đều dương tính với ma túy.

Đại tá Nguyễn Văn Viện - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin vụ việc.

Công an TP Hà Nội đã làm rõ, tối xảy ra vụ việc có khoảng 5.000 người tham dự chương trình trình diễn âm nhạc điện tử không lời, do 4 nghệ sĩ nước ngoài trình diễn ngẫu hứng trực tiếp thông qua việc điều khiển các thiết bị âm thanh qua máy vi tính và bàn DJ.

Cả 4 nghệ sĩ này đều đã được UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội đồng thuận, cấp giấy phép tham dự chương trình.

Xử lý thế nào vụ 7 người tử vong sau đêm nhạc hội?

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, vụ việc 7 người bị tử vong trong đêm lễ hội âm nhạc Hồ Tây là hồi chuông cảnh báo sử dụng trái phép chất ma túy trong giới trẻ hiện nay. Nếu không có sự ý thức của bản thân trước tác hại của các chất ma túy tổng hợp thì sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường.

Việc các nạn nhân sử dụng trái phép các chất ma túy theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay không coi là tội phạm. Trước kia, trong Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về tội sử dụng trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên, năm 2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã bỏ tội này và đến nay, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2107 (có hiệu lực thi hành 1.1.2018) cũng không coi là tội phạm. Do vậy, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Căn cứ Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy thì xử lý như sau: "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”.

Trong vụ việc này, các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ nguồn gốc số ma túy được những thanh thiếu niên sử dụng trong đêm nhạc Hồ Tây là thuộc loại ma túy nào.

Nếu có căn cứ xác định đối tượng cung cấp ma túy cho những thanh thiếu niên sử dụng thì cần thiết khởi tố điều tra về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc mua bán trái phép chất ma túy để xử lý nghiêm minh theo quy định tại các Điều 249, Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn