MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Quang Đại

Vụ án bà Lê Thị Dung bị kết án 5 năm tù: Thượng tôn pháp luật nhưng phải công bằng, nhân văn

QUANG ĐẠI LDO | 08/05/2023 09:10

Sự việc bà Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) bị tòa cấp sơ thẩm kết án 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vì đã gây thiệt hại chưa đến 45 triệu đồng đang thu hút sự chú ý của dư luận. Xuất hiện nhiều tình tiết mới cho thấy vụ án cần được xem xét một cách khách quan, toàn diện tại phiên tòa phúc thẩm.

Gây thiệt hại gần 45 triệu đồng trong 6 năm làm Giám đốc 

Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Hưng Nguyên, từ ngày 1.10.2012 đến năm 2017, bà Lê Thị Dung là Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện Hưng Nguyên) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định. Theo đó, trong quá trình công tác, bà Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và áp dụng bản quy chế này dẫn đến chi sai nguyên tắc, hưởng lợi số tiền gần 45 triệu đồng.

Cụ thể, tuy đã được thanh toán những nội dung: Bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học… nhưng bà Dung vẫn tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần hai) theo quy chế nêu trên trong các năm: Năm học 2011-2012 là hơn 3 triệu đồng; năm học 2013-2014 là 303.052 đồng; năm học 2014-2015 là hơn 30 triệu đồng; năm học 2015-2016 là gần 14 triệu đồng. 

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát cáo buộc bà Dung đã hai lần gây thiệt hại cho Trung tâm GDTX trên 10 triệu đồng, phạm vào tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, với tình tiết phạm tội hai lần trở lên. Từ đó, tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bà Dung mức án 5 năm tù (mức thấp nhất của khung hình phạt). Bà Lê Thị Dung đã có kháng cáo kêu oan, vụ án sẽ được TAND tỉnh Nghệ An xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Xuất hiện nhiều tình tiết mới cần làm rõ

Nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) Lê Văn Vỵ - trao đổi: “GDTX và giáo dục phổ thông là hai hệ, hai lĩnh vực khác nhau được quy định rõ trong Khoản 1, Điều 4, Luật Giáo dục 2005. Việc sử dụng văn bản về chế độ làm việc cho giáo viên phổ thông để làm căn cứ phán xét đúng sai của quy chế chi tiêu nội bộ cơ sở GDTX là không đúng”.

Về nội dung bà Lê Thị Dung thanh toán trùng (2 lần) theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, luật sư Chu Quang Minh (Nghệ An) cho biết, phụ cấp cấp ủy là phụ cấp trách nhiệm hưởng theo Quy định 169/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và định mức tiết dạy (công sức lao động) dành cho chức danh Bí thư Chi bộ là 2 khoản chi khác nhau, không phải là chi trùng. Tương tự khoản giảm trừ 2 tiết/tuần và hỗ trợ học phí cho đối tượng cán bộ, giáo viên đi học cao học là 2 khoản khác nhau, đã được quy định rõ trong quy chế chi tiêu nội bộ.

Về tội danh, theo luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội), cần xem xét hành vi của bà Lê Thị Dung đã thỏa mãn cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” hay chưa. Bởi vì đây là tội được gây ra với lỗi cố ý trực tiếp, đối tượng biết sai vẫn làm, quyết tâm thực hiện bằng được vì động cơ vụ lợi và gây hậu quả, thiệt hại. Trong khi theo lời khai tại phiên tòa, bà Lê Thị Dung không nhận tội vì cho rằng, quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, dân chủ, áp dụng chung cho cả cơ quan, được gửi lên Phòng Tài chính huyện và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để báo cáo, kiểm soát chi.

Gia đình đã gửi đơn xin bảo lãnh tại ngoại cho bà Lê Thị Dung. Các lí do xin bảo lãnh tại ngoại: bà Lê Thị Dung có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, sống hiền lành, gương mẫu, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Bà Lê Thị Dung có tiền sử bị bệnh đau dạ dày, mỡ máu cao, suy tim độ 3, rối loạn tiền đình. Gia đình đã nhiều lần làm đơn xin tại ngoại cho bà Dung nhưng không được chấp nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn