MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ về những sai phạm tại thông tư 47. Ảnh minh họa.

Vụ án Công ty Cổ phần VN Pharma: Thông tư số 47 có những sai phạm gì?

THÀNH SƠN LDO | 20/09/2019 10:19

Ngày 16.9, Thanh tra Chính phủ ra thông báo kết luận Thanh tra về việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp cho các bệnh viện của Công ty Cổ phần VN Pharma. Trong đó nhấn mạnh, việc Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47/2010/TT-BYT không đúng nội dung với Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng dẫn đến việc cấp phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita và cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam.

Một lỗi hai cái sai

Trong mục 2.2 của thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: “Từ việc ban hành Thông tư số 47/2010/TT-BYT không đúng nội dung với Quyết định số 151/2007/QĐ- TTg dẫn đến việc cấp giấy phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita và cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam là vi phạm Điều 5 Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg. Trách nhiệm thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược”.

Sau khi thẩm định hồ sơ biết rõ Giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam của Công ty Austin Hồng Kông đã hết hạn (hết hạn ngày 6.10.2013), đến ngày 30.12.2013 Cục Quản lý Dược vẫn cấp giấy phép nhập khẩu thuốc H-Capita và ngày 11.4.2014 Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất đã cho phép thông quan nhập khẩu thuốc H-Capita vào Việt Nam. Việc cấp phép nhập khẩu và cho phép thông quan nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam khi giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam của Công ty Austin Hồng Kông đã hết hạn là vi phạm Điều 5 Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg.

Thông tư 47 căn cứ vào Quyết định 151 để ban hành, nhưng nội dung Thông tư lại không đúng với quy định 151. Cụ thể, tại Điều 11 (thuộc Mục II. Nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký lưu hành) của Thông tư 47 lại không hề đề cập đến việc trong hồ sơ phải có giấy phép hoạt động như Quyết định 151 yêu cầu.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Hồng Sơn - Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) dưới góc nhìn của một chuyên gia tư pháp về vấn đề này.

Ông Sơn cho rằng, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc theo thẩm quyền. Kết luận của Thanh tra đã đi từ việc phân tích nội dung sai trái của Thông tư do Bộ Y tế ban hành để kết luận việc áp dụng quy định sai trái này của Bộ, cho phép doanh nghiệp nhập thuốc không đạt chuẩn, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội là hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Sơn nhấn mạnh: Xét về mặt văn bản quy phạm pháp luật, về căn cứ pháp lý, Thanh tra Chính phủ đã đi từ kết luận về nội dung sai của Thông tư 47 làm cơ sở cho kết luận của mình trong vụ việc. Tôi thấy ở đây, theo Thanh tra Chính phủ thì phía Bộ Y tế có 2 cái sai, thứ nhất là ban hành văn bản có nội dung trái Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thứ hai là đã căn cứ vào quy định sai trái đó, áp dụng trong thực tế quản lý, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu thuốc không đạt chuẩn.

“Vấn đề là cả 2 cái sai này đều có cùng nguồn gốc, đó là từ Cục Quản lý Dược và từ Lãnh đạo Bộ Y tế. Vậy về bản chất, ở đây có sự liên thông, kết nối nào không? Người ta có thể và có căn cứ để đặt dấu hỏi, liệu cái sai thứ nhất, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với văn bản cấp trên, có phải là sơ suất? Là vô tình? Hay cố ý? Liệu có phải người ta cố tình ban hành văn bản quy phạm pháp luật sai, làm cơ sở pháp lý cho việc cấp phép sai?” - ông Sơn đặt nghi vấn.

Trách nhiệm của Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược trong vụ VN Pharma được thể hiện rõ qua kết luận của Thanh tra Chính phủ. Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp cần vào cuộc ngay

Bên cạnh xử lý nội dung sai trái của Thông tư số 47, theo ông Sơn, rất cần thiết phải cho kiểm tra, xem xét kỹ quá trình soạn thảo, ban hành Thông tư này. Hồ sơ của quá trình soạn thảo, căn chỉnh Dự thảo, hồ sơ trình lãnh đạo bộ, kể cả Tờ trình, Ý kiến tham gia, các tài liệu khác có liên quan đều phải được đưa ra hết (vì còn lưu trữ) để xem xét. Quá trình lấy lời khai của các chuyên viên tham gia vào quá trình soạn thảo phải khách quan, kịp thời và phải được lập thành văn bản, không để thông cung, kết mưu dối trá.

“Trách nhiệm của Vụ Pháp chế thẩm định Dự thảo Thông tư cũng phải được xem xét, kể từ việc tham gia vào quá trình soạn thảo đến văn bản nêu ý kiến Thẩm định của Vụ về Dự thảo. Làm kỹ khâu này sẽ giúp xác định trách nhiệm của Tổ chức, cá nhân tham mưu về nội dung sai trái. Quan trọng hơn, cách làm này giúp xác định những sai trái này xuất phát từ đâu để xử lý đúng người, đúng tội như tôi đã nói ở trên” - ông Sơn nói.

Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cũng nhấn mạnh: “Trong thực thi văn bản quy phạm pháp luật, bắt buộc phải bám vào các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn. Nếu Thông tư sai thì sớm muộn sẽ phải bãi bỏ. Nhưng khi Thông tư đó còn hiệu lực thì cũng cần theo các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Không thể căn cứ vào một Thông tư để làm sai, không thể lấy lý do làm theo Thông tư để thoát trách nhiệm”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn